Dược sĩ H.T.H.N., chủ nhà thuốc Hồng Nhung (ở số 3, phố Lương Như Hộc, phường Hải Tân) vừa bị UBND TP Hải Dương phạt 7,5 triệu đồng do vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19.
Ngày 14.11, chị L.T.N. bị ho sốt, đau rát họng nên đã đến nhà thuốc của chị H.T.H.N. mua thuốc. Chị H.T.H.N. bán thuốc điều trị mà không thông báo tới cơ quan có thẩm quyền về trường hợp có dấu hiệu nhiễm Covid-19 trên. Ngày 16.11, chị L.T.N. được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực y dược bị UBND TP Hải Dương xử phạt vì không khai báo cho chính quyền địa phương mà tự khám hoặc bán thuốc cho người bị ho, sốt, sau đó được xác định mắc Covid-19.
Trong tháng 11, bác sĩ N.Đ.M. (ở phố Bùi Thị Xuân, phường Lê Thanh Nghị) cũng bị UBND TP Hải Dương ra quyết định xử phạt 6 triệu đồng. Đầu tháng 11, một bệnh nhi bị ho, sốt đến khám tại phòng khám riêng của anh này. Anh M. chẩn đoán cháu bị viêm họng cấp và kê thuốc cho điều trị tại nhà mà không khai báo y tế với chính quyền.
Bị phạt nặng nhất (57 triệu đồng) là trường hợp y sĩ N.V.H. trú tại số 30, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Hải Tân. Là y sĩ đã nghỉ hưu, không có giấy phép nhưng ông này vẫn truyền nước cho 2bệnh nhân ho, sốt. Sau đó, cả mấy bệnh nhân trên đều được xác định mắc Covid-19. Ngoài bị phạt tiền, ông H. còn bị khai trừ Đảng, vợ ông này thì bị cảnh cáo.
Những dược sĩ, bác sĩ, y sĩ trên chỉ bị phát hiện, xử phạt sau khi truy vết lịch trình tiếp xúc của bệnh nhân. Có thể còn những người ho, sốt khác đi mua thuốc, khám bệnh nhưng không được phòng khám, hiệu thuốc thông báo đến chính quyền, song vì họ không nhiễm Covid-19 nên chưa được rà tới. Ngành y tế đã có quy định đối với bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc, hiệu thuốc nhằm sàng lọc những trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 nhưng nhiều người chưa nghiêm túc thực hiện. Là những người có chuyên môn nhưng những y sĩ, dược sĩ, bác sĩ trên đã rất chủ quan, tắc trách với người bệnh, với chính bản thân và gia đình, cộng đồng. Lẽ ra, khi gặp những trường hợp người ho, sốt tới, họ phải có trách nhiệm thông báo với chính quyền, phải tư vấn, nhắc nhở người bệnh. Nếu người bệnh được xét nghiệm, sàng lọc kịp thời thì sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, tiết kiệm thời gian, nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch.
Ngoài sự tắc trách của một số người hành nghề y dược kể trên, không ít người dân cũng còn rất chủ quan. Những triệu chứng của người mắc Covid-19 khá giống với người mắc cảm cúm thông thường. Vào giai đoạn đầu đông, nhất là những hôm trời chuyển gió, nhiều người không giữ ấm tốt nên rất dễ bị viêm họng, cảm cúm với các biểu hiện đau mỏi cơ, ho, sốt… Nhiều người do chủ quan, ngại mất thời gian nên khi bị các triệu chứng nói trên thường tự đi mua thuốc chứ không đi khám và nhờ bác sĩ kê đơn. Việc mua thuốc hiện khá dễ dàng, người mua chỉ việc kể bệnh, dược sĩ nghe bệnh bán thuốc. Việc ghi thông tin khách hàng ở một số phòng khám, nhà thuốc, hiệu thuốc còn mang tính hình thức. Như bản thân tôi khi đi mua thuốc, chủ hiệu thường để sẵn một quyển sổ để người mua tự ghi thông tin. Việc ghi thông tin cũng trông chờ vào sự tự giác của khách. Người nào nhớ thì chủ động ghi, người không nhớ có khi cũng không bị nhắc nhở và cũng không ai kiểm tra lại xem thông tin khách ghi có chính xác hay không. Một số người do thường bị làm phiền bởi các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo nên bây giờ rất ngại cung cấp thông tin cụ thể như số điện thoại, họ tên, địa chỉ. Do vậy, có người ghi nhưng thông tin sơ sài hoặc không chính xác. Với cách ghi thông tin kiểu đối phó như thế, nếu chẳng may có F0 cùng đến một địa điểm với mình thì việc truy vết sẽ vô cùng khó khăn.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, kéo dài, không thể chỉ trông chờ vào ý thức tự giác mà cần phải thêm những “án” phạt nghiêm khắc như TP Hải Dương đang làm.
PHÙNG TUYỀN