Phanh phui nhiều vi phạm hàng hóa lớn

18/12/2020 07:43

Trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm hàng hóa lớn, có những vụ vi phạm lớn nhất trong khoảng chục năm nay.


Vụ việc tại Công ty TNHH May Đăng Linh ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) là vụ sản xuất hàng giả lớn nhất trên địa bàn tỉnh bị phát hiện trong hàng chục năm trở lại đây

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã và đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm lớn.

Giả hàng hóa của các thương hiệu lớn

Liên tục trong 5 tháng trở lại đây, các Đội QLTT (Cục QLTT tỉnh) đã xử lý nhiều vụ vi phạm hàng hóa lớn, có những vụ vi phạm lớn nhất trong khoảng chục năm nay. Đầu tháng 9.2020, Đội QLTT số 5 chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra Công ty TNHH May Đăng Linh ở xã Hồng Phong (Thanh Miện). Lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp này sản xuất, gia công hơn 6.400 chiếc áo phông đã hoàn thiện mang nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Nike, Lacoste. Doanh nghiệp còn đang hoàn thiện trên 2.000 sản phẩm bán thành phẩm. "Vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nên lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự. Đây là vụ sản xuất hàng giả bị phát hiện, xử lý quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh trong hàng chục năm trở lại đây", ông Mạc Văn Phú, Đội trưởng Đội QLTT số 5 cho biết.

Ngày 9.10.2020, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an huyện Cẩm Giàng kiểm tra đột xuất, phát hiện Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hồng Đạt ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) đang sản xuất dầu gội đầu nhãn hiệu Bed Head Tigi và dầu dưỡng tóc nhãn hiệu Hisson có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa. Mặc dù được sản xuất tại huyện Cẩm Giàng nhưng trên nhãn hàng hóa các sản phẩm này lại ghi “Made in Italy”, “Made in the USA”.

Theo ông Vũ Xuân Phương, Đội trưởng Đội QLTT số 4, Giám đốc Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hồng Đạt đã khai nhận để phù hợp với thị hiếu người dùng, công ty đã đặt mua tem, nhãn của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng, xuất xứ nước ngoài để dán vào các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất. Ngày 8.12 vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt công ty này 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng, tịch thu 1.248 sản phẩm mỹ phẩm giả mạo.

Cũng trong tháng 10 vừa qua, một vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ lớn trên địa bàn tỉnh được Đội QLTT số 2 phát hiện và xử lý. Ngày 13.10, lực lượng QLTT đã đột xuất khám kho hàng tại cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) do bà Trần Thị Kim Oanh ở thị xã Kinh Môn làm chủ. Tại đây có 2.383 sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài và 485 sản phẩm đồ gia dụng do nước ngoài sản xuất, không được dán nhãn phụ, không có hóa đơn chứng từ theo quy định. Bà Oanh thừa nhận mua số hàng trên để rao bán trên mạng xã hội. Vụ việc đã được Cục QLTT hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh xử phạt 59 triệu đồng và tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá gần 100 triệu đồng.


Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Hồng Đạt phát hiện hàng loạt mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa

Kiên quyết xử lý

Do tâm lý chuộng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng nên hàng hóa vi phạm đội lốt hàng xách tay chính hãng vẫn còn "đất sống". Người kinh doanh có nhiều chiêu trò để qua mặt lực lượng chức năng, gây khó khăn trong kiểm tra, xử lý.

Theo ông Bùi Trọng Thuân, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, những năm gần đây, công tác đấu tranh chống các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ trong tỉnh chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả. "Thời gian gần đây, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý. Yêu cầu gắn trách nhiệm quản lý địa bàn đến từng công chức, từng Đội QLTT, tập trung phát hiện, xử lý các vụ vi phạm lớn, làm điểm. Với sự chỉ đạo quyết liệt, công tác đấu tranh, xử lý các vi phạm liên quan đến hàng hóa trong tỉnh đã đạt kết quả tích cực", ông Thuân khẳng định.

Từ đầu tháng 7.2020 đến nay, các Đội QLTT thuộc Cục QLTT tỉnh đã tổ chức kiểm tra, xử lý trên 50 vụ vi phạm lớn về hàng giả, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng nghìn hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 2,1 tỷ đồng.

Thời gian tới, đặc biệt là dịp cuối năm, Cục QLTT tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Trong đó, lực lượng QLTT sẽ thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng dịp Tết, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng chống dịch Covid-19.

LAN NGUYỄN - VŨ HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phanh phui nhiều vi phạm hàng hóa lớn