Chiều 21.6, các mặt hàng xăng dầu trong nước lại lập đỉnh mới. Nghe tin này, anh bạn tôi là chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) lại thở dài.
Không lo sao được vì giá xăng tăng liên tiếp cũng đồng nghĩa với chi phí anh phải bỏ ra hằng tháng cho việc vận hành số xe của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể. Hợp đồng giá cước vận chuyển đã được anh ký với đối tác từ đầu năm bây giờ muốn đề nghị tăng cũng khó. Doanh nghiệp anh phục vụ cũng đang phải gồng mình chống chọi với hàng loạt các chi phí sản xuất bị đội lên do giá xăng dầu tăng.
Giá xăng dầu tăng không chỉ là nỗi lo riêng của doanh nghiệp vận tải mà cả cộng đồng vì nó kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu tăng và chi phí sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 sẽ rất khó có thể ổn định, phát triển nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng.
Chi phí sản xuất tăng khiến cơ hội cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút. Chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất xuất khẩu ở Bình Giang lấy ví dụ minh chứng về hệ lụy tăng giá xăng dầu rất cụ thể. Trước đây để làm ra một chiếc ghế xuất sang Mỹ, doanh nghiệp của anh chỉ mất khoảng 15 USD (gần 350.000 đồng) và bán được với giá 20 USD/chiếc (hơn 460.000 đồng/chiếc) thì nay do xăng dầu tăng, chi phí nguyên liệu và vận chuyển tăng anh phải báo giá bán cho đối tác 22 USD/chiếc mới có lãi. Ngay lập tức đối tác đã ngừng ký tiếp hợp đồng với doanh nghiệp của anh và quay sang nước khác có giá thấp hơn đặt hàng.
Trong lúc người tiêu dùng đang đặt ra câu hỏi tại sao giá xăng dầu trong nước lại tăng nhiều đến vậy thì họ lại biết được thông tin ngay ở Malaysia giá xăng khoảng 13.000 đồng/lít, chỉ bằng gần một nửa so với giá xăng đang bán ở Việt Nam. Vậy tại sao không nhập xăng từ Malaysia? Đây có lẽ là thắc mắc của không ít người dân hiện nay. Lý giải cho điều này, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều nguyên nhân, trong đó có một lý do khiến nhiều người chú ý, giá xăng 13.000 đồng/lít của Malaysia là được Nhà nước của họ trợ giá và đó là giá bán cho thị trường nội địa chứ không phải mức đề xuất bán cho Việt Nam.
Điều người tiêu dùng quan tâm hiện nay là động thái của cơ quan chức năng, Chính phủ trong việc kìm giá xăng dầu tăng chứ không phải đi lý giải tại sao xăng trong nước lại cao hơn giá xăng của một số quốc gia lân cận. Việc trợ giá xăng dầu là giải pháp cần kíp hiện nay để giảm giá xăng dầu. Đây là điều người dân đang rất mong chờ Chính phủ thực hiện sớm.
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, nhiều đại biểu đã đề xuất giảm thêm các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT... đối với mặt hàng xăng dầu. Mới đây Bộ Tài chính cũng thông báo sẽ nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Nhưng bao giờ thực hiện và giá xăng dầu sẽ giảm được bao nhiêu khi các chính sách nêu trên được thực thi mới là điều người dân chờ đợi.
Đại dịch Covid-19 vừa được kiểm soát. Ở nhiều nơi, doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn. Để bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch, Chính phủ đã phải đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ. Những gói hỗ trợ này đã giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh nhưng nếu giá xăng dầu không được kiểm soát và cứ đà tăng như hiện nay thì sự hỗ trợ đó sẽ không còn ý nghĩa. Công nhân, người lao động sẽ ra sao khi chưa kịp vui vì tăng lương tối thiểu vùng thì lại lo lắng số tiền tăng đó không bù nổi chi phí khi giá hàng hóa tiêu dùng tăng nhiều hơn so với mức lương tối thiểu tăng vào đầu tháng 7 tới.
HẢI MINH