Ở tuổi 84, ông được coi là nghệ sĩ lớn tuổi nhất nhì Việt Nam được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Trên màn ảnh nhỏ, khán giả hẳn sẽ ấn tượng với mái đầu bạc trắng của nam nghệ sĩ Lê Đức Trung. Trong phim Hướng dương ngược nắng, nghệ sĩ Lê Đức Trung vào vai ông nội giàu có, nghiêm nghị của Hồng Diễm, Quỳnh Kool, để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả.
Ở tuổi 84, nghệ sĩ Lê Đức Trung góp mặt trong danh sách các nghệ sĩ sắp được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ 10.
Nghệ sĩ Lê Đức Trung sinh năm 1939, nguyên là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Ông cũng là gương mặt gạo cội trong làng sân khấu và truyền hình phía Bắc.
Nghệ sĩ Lê Đức Trung có 20 năm làm việc trong quân ngũ và 5 năm hoạt động tại Trường Sơn, đến năm 1979, ông mới về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ.
Với ngoại hình quắc thước, phúc hậu, ông thường được giao vai chính diện. Đặc biệt, nam nghệ sĩ từng 3 lần vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 3 thể loại khác nhau: Kịch nói (Lịch sử và nhân chứng), nhạc vũ kịch (Giai điệu tháng 5) và phim truyền hình (Bác Hồ sống mãi với vùng than).
Nghệ sĩ Lê Đức Trung chia sẻ, đối với ông việc được thể hiện hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu là niềm vinh dự để đời, giúp ông được trải nghiệm những bài học quý giá.
Để thể hiện tốt nhất hình tượng của Bác, nam nghệ sĩ đã dày công tìm tòi, nghiên cứu từng ngữ điệu, cách nói của Bác:
"Có những đêm tôi ra giữa sân bóng đá tập nói lời thoại kịch để tập trung cao độ và không ảnh hưởng đến ai, mượn từ viện lưu trữ tư liệu để nghe những bài nói chuyện của Bác với các đối tượng thành phần và độ tuổi khác nhau, rút ra những đặc điểm khí chất, ngữ điệu ứng với từng nội dung, từng đối tượng.
Có nhiều đêm tôi nghe cả cuộn băng cối dài 2 - 3 tiếng đồng hồ rồi thiếp đi trong giấc ngủ mà vẫn văng vẳng bên tai lời Bác nói".
Với sân khấu kịch, tên tuổi của nam nghệ sĩ gắn liền với nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ trong suốt thời gian ở Nhà hát Tuổi trẻ như: Lời thề thứ 9, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Sống mãi tuổi 17...
Trên truyền hình, nam nghệ sĩ từng góp mặt trong nhiều bộ phim: Tội và tình, Kẻ tử tù tuổi 17, 12A và 4H, Vệt sáng ngược, Phóng viên thử việc... Bản thân nghệ sĩ Lê Đức Trung cũng từng muốn đổi mới bản thân, thử sức với vai phản diện trong Trưởng giả học làm sang. Tuy nhiên, hình ảnh hiền hậu, mực thước của ông lại không hợp với nhân vật phản diện.
Nam nghệ sĩ từng chia sẻ, sau khi ông đóng vai phản diện, trong bữa cơm với đoàn làm phim, anh em trong đoàn trêu đùa: "Thôi từ nay bác đừng đóng vai phản diện nữa, mặt bác không lừa được ai đâu".
Kể từ đó, nghệ sĩ Lê Đức Trung quyết định tập trung cho dạng vai chính diện để làm tốt vai trò của mình. Nhờ vậy, hình ảnh nghệ sĩ Lê Đức Trung với mái đầu bạc trắng trong vai những người ông mẫu mực, uy nghi đã in sâu trong lòng khán giả. Không ít người gọi ông là "ông nội quốc dân" sau phim Hướng dương ngược nắng.
Sau hơn 20 năm cống hiến tại Nhà hát Tuổi trẻ, nam nghệ sĩ nghỉ hưu đồng thời tạm xa phim trường. Tuy nhiên, ông vẫn miệt mài cống hiến cho sân khấu kịch và phim ảnh trên cương vị người thầy dìu dắt các thế hệ đi sau.
Sau phim Hướng dương ngược nắng, nam nghệ sĩ chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình.
Nối nghiệp nam nghệ sĩ có người con trai tên Lê Tuấn Anh. Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ Lê Đức Trung nổi tiếng với những vai hiền hậu, mực thước thì con trai ông lại "chuyên" vai đầu gấu, phản diện.
Trong mắt nam diễn viên Lê Tuấn Anh, người bố nổi tiếng của anh "là nghệ sĩ nhưng lại không giống nghệ sĩ" vì ông tuy hiền lành nhưng lại nghiêm nghị.
Có thể nói, sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, nam nghệ sĩ Lê Đức Trung đã viên mãn cả về sự nghiệp lẫn gia đình.
Theo VTC News