Thị trường ô tô điện giá rẻ 100 - 250 triệu đồng đang hứa hẹn "dậy sóng" với loạt thương hiệu Trung Quốc tung dự án lắp ráp, phân phối. Nhiều doanh nghiệp cũng đang rầm rộ triển khai phân phối tại Việt Nam.
Thị trường ô tô điện đang đối diện khả năng xáo trộn với xe giá siêu rẻ, dù chưa biết chế độ hậu mãi và chất lượng ra sao.
Ô tô điện mini giá trăm triệu
Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT TMT Motors cho biết sẽ tiên phong khai mở phân khúc ô tô điện mini HongGuang MiniEV 4 chỗ ngồi tại Việt Nam. Doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác liên doanh General Motors (GM) - (Saic - Wuling) vào giữa tháng 2.2023 để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện mini tại Việt Nam.
Theo thông tin của TMT công bố, mẫu xe này sẽ lắp ráp tại nhà máy ở tỉnh Hưng Yên với công suất tới 30.000 xe/năm. Mẫu xe này được cho là phù hợp sử dụng trong đô thị với tốc độ thấp và được xem như phương tiện thay thế xe máy.
Tại Trung Quốc, mẫu xe như Wuling HongGuang MiniEV chỉ được xem như phương tiện thay thế xe máy do phạm vi hoạt động thấp (khoảng 120km cho mỗi lần sạc đầy) và công suất tối đa của xe cũng chỉ ở mức 17,4 mã lực cùng mô men xoắn cực đại 85 Nm. Giá khởi điểm của HongGuang MiniEV tại Trung Quốc là hơn 4.000 USD (gần 90 triệu đồng).
TMT chưa xác nhận mức giá bán tại Việt Nam, nhưng nhiều thông tin quảng cáo "làm thị trường" đã báo mức giá khoảng 100 - 260 triệu đồng/chiếc.
Trong khi đó, giá xe ô tô điện VinFast, MG, Kia, Mercedes, Audi... thấp nhất khoảng 700 triệu/chiếc, thậm chí có mẫu lên tới 6 tỉ đồng/chiếc.
Từng kinh doanh không hiệu quả và rút lui khỏi thị trường Việt Nam, bất ngờ đầu năm 2023 các hãng Chery, Haima một lần nữa quay lại đặt nền móng bán xe cho khách Việt. Họ tìm nhà lắp ráp, kinh doanh tại Việt Nam với các mẫu xe như Haima 8S, 7X và 7X-E vào nửa cuối năm nay.
Một tổng giám đốc công ty lắp ráp ô tô tại TP Hồ Chí Minh cho biết thương hiệu xe Trung Quốc đang quay lại thị trường Việt Nam với nhiều dải sản phẩm thông qua lắp ráp hoặc nhập khẩu nguyên chiếc. Ngay công ty ông cũng nhận một vài mẫu xe lắp ráp thử nghiệm, trong đó có ô tô điện và xe tải điện.
Theo đánh giá ban đầu của vị này, ô tô điện giá khá rẻ chỉ khoảng 200 - 260 triệu đồng/chiếc. "Xe này chỉ chạy trong nội đô 200km trở lại chứ đi xa, tốc độ cao thì khó" - ông nói và tin rằng nếu ô tô giúp tránh mưa nắng mà giá chỉ bằng chiếc SH thì vẫn có người mua.
Một số chuyên gia thì nhận định giá cả rẻ chưa phải "liều thuốc" lúc nào cũng hút khách. Tại Việt Nam, phân khúc ô tô cỡ nhỏ Honda Brio, Toyota Wigo hay Suzuki Celerio giá 350 - 500 triệu đồng... cũng "sớm nở tối tàn", ít khách mua nên có hãng dừng kinh doanh.
Quản lý chặt chất lượng
PGS.TS Lý Hùng Anh, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng những năm 1998 - 2005, làn sóng xe máy giá rẻ Trung Quốc được ồ ạt nhập về Việt Nam với chỉ 6 - 8,5 triệu đồng/chiếc. Khâu quản lý chất lượng chưa chặt khiến thị trường Việt Nam tràn ngập xe chất lượng kém, không thực an toàn và gây ô nhiễm.
Sau đó, chúng dần bị thải loại, nay gần như biến mất khỏi thị trường. Theo ông Lý Hùng Anh, nếu ô tô điện sản xuất số lượng lớn, bán giá siêu rẻ thì họa nhiều hơn may.
Góc nhìn của ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cũng cho rằng không nên "bài xích" nguồn gốc xe. Sự xuất hiện của xe điện mini giá rẻ là xu hướng tốt nhưng cần phải quản lý chặt chất lượng, vòng đời (tuổi thọ) và tái chế của pin, nếu thả lỏng sẽ rất nguy hại cho môi trường.
Nhiều chuyên gia ô tô cho rằng không loại trừ khả năng xe điện giá rẻ dùng công nghệ lạc hậu bán tại Việt Nam. Cần ngăn nguy cơ Việt Nam thành bãi phế thải pin xe điện, chưa kể đến vấn đề an toàn giao thông. Do đó, cần phải kiểm soát chặt việc nhập các thiết bị, dây chuyền sản xuất và lắp ráp ô tô điện hay việc bán rẻ bằng mọi giá.
Ông Trần Như Phương - phó giám đốc Ford Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) - đánh giá ô tô khi sản xuất và lưu thông đều được kiểm định chất lượng. Nhưng thúc đẩy xe điện rất cần các nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó phải hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến pin, trạm sạc và tiêu chuẩn liên quan đến xe điện...
Xe Trung Quốc: mua dễ, bán lại khó Với xe chạy xăng dầu, xe thương hiệu Trung Quốc đang lấn sân sang Việt Nam khi xuất hiện ngày càng nhiều. Sau một năm sử dụng chiếc Beijing X7, anh Nguyễn Trọng - cư dân chung cư Richmond City (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho rằng khá hài lòng. Xét cùng phân khúc và mức giá, xe Trung Quốc đang có lợi thế hơn về nội thất, tiện ích. "Nhiều người hỏi có bền không, có an tâm khi chạy không? Hơn một năm sử dụng tôi chưa dám khẳng định chất lượng, nhưng công nghệ và kiểu dáng của xe Trung Quốc khá đẹp, sử dụng đi trong nội thành rất thoải mái" - anh Trọng nói. Khảo sát trên thị trường, nhiều mẫu xe thương hiệu Trung Quốc đang bán tại Việt Nam dưới 800 triệu đồng/chiếc. Chẳng hạn Zotye T800 giá 728 triệu đồng, Dongfeng T5 giá 700 triệu đồng, Beijing X7 giá 750 triệu đồng... Trên trang Chợ Tốt, hiện có hàng loạt lời rao bán kèm hình ảnh những mẫu xe Trung Quốc 350 - 600 triệu đồng với nhiều địa điểm từ Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Thế nhưng, giới kinh doanh xe cũ khá e ngại xe thương hiệu Trung Quốc. Anh Quốc Hưng - chủ showroom xe cũ Hưng Auto (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) - cho biết xe cũ thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức có thanh khoản hơn xe thương hiệu Trung Quốc. Trước đây, anh Hưng thu mua chiếc Baic Q7 qua sử dụng hơn 20.000km với giá 390 triệu đồng. Ngỡ là sẽ bán được giá, nhưng chờ 3-4 tháng vẫn không có người mua, phải hạ giá, lỗ hơn 30 triệu đồng để đẩy hàng. "Khách ngại mua về mất giá, phụ tùng thay thế khó khăn" - anh Hưng nói. |
Theo Tuổi trẻ