Đêm! TP Hải Dương chìm sâu vào giấc ngủ. Những chuyến xe vẫn chuyển bệnh phẩm không ngủ, từng hàng xe nối đuôi nhau vào sân Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hải Dương.
Cán bộ CDC Hải Dương đưa thùng bệnh phẩm vào phòng xét nghiệm
Cán bộ y tế trong bộ đồ bảo hộ trắng muốt từ trong phòng lao đến cửa xe đưa những thùng đựng bệnh phẩm về phòng xét nghiệm. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, các cán bộ tại CDC Hải Dương đã không ngủ, chạy đua với thời gian, hoàn thành công tác truy vết, xét nghiệm một cách nhanh nhất có thể.
Trong căn phòng đâu đâu cũng là mẫu thử, những đôi mắt của cán bộ y tế ửng đỏ vì thiếu ngủ nhiều ngày nhưng đôi tay của họ lúc nào cũng thoăn thoắt sắp xếp, ghi chép, dán thông tin bệnh phẩm…
Chịu trách nhiệm toàn bộ ê-kíp xét nghiệm, ông Nguyễn Nhân Duy (chuyên gia sinh học phân tử) cho biết: “Khi nhận được tin, tôi và một vài bạn khác đã bay từ Sài Gòn ra với quyết tâm cố gắng hỗ trợ Hải Dương sớm kiểm soát được dịch bệnh. Bằng mọi giá, đêm hôm cũng phải cố gắng làm.
Ai cũng có gia đình, có nỗi niềm riêng nhưng cần phải gác lại, Tết đến thật gần tạm gác lại niềm vui của mình để ra tuyến đầu. Nỗ lực của chúng ta sẽ giúp sớm kiểm soát được dịch bệnh. Gia đình là một phần của xã hội, giúp được xã hội là giúp được gia đình”.
Anh Đặng Hoàng Anh (cán bộ cho tăng cường CDC Hải Dương) nói: “Đội xét nghiệm làm việc từ sáng đến 16 - 17h chiều để chạy máy thử mẫu. Đến 20h tối các mẫu xét nghiệm ở các nơi đổ về, chúng tôi lại vào guồng quay và làm đến khi trời sáng. Bốn ngày hôm nay chắc tôi ngủ tổng cộng được khoảng 8 tiếng”.
Thế nhưng chẳng ai trong họ thở dài, tất cả vẫn cần mẫn mặc dù đã quá nửa đêm. Bởi lẽ, hầu hết các thành viên trong nhóm đã từng chinh chiến ở Đà Nẵng và giờ tiếp tục “chia lửa” cùng Hải Dương.
Sau khi phân loại, các mẫu xét nhiệm được chuyển sang phòng tra mẫu để thử với hóa chất, dựa vào các phản ứng sẽ giúp nhận biết các mẫu dương tính với COVID-19.
Theo chân những mẫu xét nghiệm rời khỏi phòng tra mẫu, chúng tôi đến với phòng PCR nơi chạy thông tin phản ứng của các mẫu xét nghiệm để kiểm tra trình tự gene của mẫu bệnh phẩm và virus SARS-CoV-2 có trùng nhau không.
Đêm đã khuya nhưng nơi đây không có khái niệm thời gian
Chị Vũ Thị Huyên làm việc tại Phòng sinh học phân tử đã 7 đêm thức trắng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Hải Dương nói: Mẫu xét nghiệm từ các huyện đổ về liên tục. Chúng tôi không cho phép mình nghỉ ngơi. Mệt quá chỉ dám nhắm mắt trong ít giờ rồi lại lao vào làm.
“Ngay sau khi nhận được thông báo về ca bệnh đầu tiên, CDC Hải Dương đã nhanh chóng khởi động đội phản ứng nhanh tiến hành lấy mẫu ngay lập tức ở Chí Linh để khoanh vùng những ca F1. Đúng 12h đêm, sau khi các mẫu dịch được chuyển về, đội chúng tôi đã khởi động phòng lab tiến hành xét nhiệm sàng lọc 14 ca F1 của bệnh nhân, qua đó đã phát hiện ra 1 ca dương tính, mặc dù vậy để xác định chính xác 100% chúng tôi vẫn phải tiến hành các bước xét nhiệm khác. Đến 7h sáng, chính thức công bố ca bệnh dương tính với COVID-19”, chị Huyên kể lại.
Từ khi có ca nhiễm ở Hải Dương, mỗi ngày đội của chị Huyên làm việc 3 ca trong phòng lab, mỗi ca kéo dài từ 6-7 tiếng, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ những hôm không phát hiện ca nhiễm mới, cả đội mới tranh thủ ăn uống, ngủ nghỉ.
Thông thường các mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển về trung tâm lúc 22h đêm. 23h ca làm việc sẽ bắt đầu cho đến sáng hôm sau.
Chia sẻ thêm về cuộc sống, chị Huyên cho biết chị có một bé trai 20 tháng tuổi. Con chị phải chịu nhiều thiệt thòi khi mới chỉ 11 tháng tuổi đã phải cai sữa mẹ để chị có thời gian đi học xét nhiệm chuyên sâu PCR.
Trong những ngày chống dịch, chị phải gửi con về quê với ông bà ở huyện Kim Thành, mặc dù rất nhớ con nhưng vì trách nhiệm với công việc và cộng đồng, chị chỉ có thể trò chuyện với con qua điện thoại để vơi đi nỗi nhớ. Không chỉ vậy, chồng chị Huyên hiện là chiến sĩ công an đang tham gia chống dịch 3 tháng nay chưa thể về nhà.
Đồng hồ đã chuyển sang một ngày mới, những con ong thợ cần mẫn, thầm lặng, làm bạn bên tiếng máy xét nghiệm kêu ro ro. Với những chiến binh này, thời gian được tính bằng tốc độ cho ra kết quả…
Theo Sức khỏe & Đời sống