Sáng 25/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tiếp nhận kỹ thuật "can thiệp nhiệt nội mạch (laser/RF) điều trị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính" từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Đáng chú ý, bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này có thể được xuất viện ngay trong ngày.
Tại buổi chuyển giao, chuyên gia của Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã thông tin tới đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương những nét khái quát về bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, so sánh hiệu quả của phương pháp điều trị bằng laser với phương pháp điều trị truyền thống...
Sáng cùng ngày, một ê kíp bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho 2 bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính theo sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Các bác sĩ sử dụng máy siêu âm xác định vị trí tĩnh mạch bệnh lý, sau đó đưa ống thông vào trong lòng tĩnh mạch thông qua một lỗ kim nhỏ trên da. Bước kế tiếp là bơm nước muối sinh lý và thuốc tê dọc theo tĩnh mạch bị suy, sử dụng laser hoặc sóng cao tần để đốt tĩnh mạch... Cả 2 ca điều trị bằng kỹ thuật này đều diễn ra thành công.
Chuyên gia Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết thời gian thực hiện một ca điều trị suy tĩnh mạch bằng kỹ thuật laser này chỉ kéo dài từ 40-50 phút. Bệnh nhân không bị chảy máu, ít đau đớn và không để lại sẹo trên da như phương pháp cũ (phẫu thuật). Bệnh nhân sẽ được xuất viện trong ngày thay vì 5-6 ngày như trước và sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 1 tuần.
Kỹ thuật laser điều trị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khoảng 95% số ca bệnh áp dụng kỹ thuật điều trị này diễn ra thành công.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 9, chuyên gia của Bệnh viện Lão khoa Trung ương sẽ còn tổ chức 5 buổi chuyển giao kỹ thuật laser cho các nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Suy tĩnh mạch mạnh tính là bệnh lý mạch máu khi các tĩnh mạch giảm khả năng dẫn máu trở về tim do suy giảm chức năng của các van tĩnh mạch, thường gặp ở chi dưới. Bệnh khá phổ biến trong cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh từ 20-40%. Khi biến chứng nặng, máu có nguy cơ ứ trọng trong lòng tĩnh mạch để hình thành các cục máu đông, trôi về tim gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể tử vong. Bệnh tiến triển âm thầm, tăng dần theo độ tuổi. Người mắc bệnh này thường có những triệu chứng tức chi dưới, đau, cảm giác khó chịu, bứt rứt, ngứa, chuột rút, phù chân, rối loạn sắc tố da hoặc loét tĩnh mạch...