Hơn ai hết, những gia đình có con từng tham gia nghĩa vụ quân sự cảm nhận thấy rõ nhất sự trưởng thành của con em mình sau thời gian nhập ngũ, thấy tự hào vì con là người lính Cụ Hồ.
Vừa rồi, tôi nhận được điện thoại của chú ruột báo tin: “Em nó đủ điều kiện nhập ngũ rồi”.
Chú kể em vừa đi khám tuyển cấp huyện, đạt yêu cầu sức khỏe. Giọng chú có chút lo lắng. Chú thím tôi làm nông nghiệp, em tôi là con út, thiếu 5 tháng nữa mới đủ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, nhưng nhất định viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Lúc quyết định việc ấy là em đang học nghề ở một doanh nghiệp. Cả nhà đều bất ngờ trước nguyện vọng của em, thím tôi can ngăn hết lời vì sợ con vào quân ngũ không chịu được tính kỷ luật, người quen họ hàng cũng bảo chưa đến tuổi thì… tội gì lao vào chỗ khổ. Nhưng em đã quyết, cuối cùng cả nhà đành phải ủng hộ. Mẹ em biết không lay chuyển được con thì đành ra sức tẩm bổ để nó có sức đi bộ đội giống như khi xưa các cụ ta “vỗ béo” cho thanh niên chuẩn bị ra chiến trường. Chú tôi cũng làm công tác tư tưởng cho con trai, nào là kỷ luật quân đội nghiêm khắc không như ở nhà, rồi thì phải tuân thủ… dù lúc ấy còn chưa biết con có đủ tiêu chuẩn để nhập ngũ hay không.
Rất nhiều trường hợp như gia đình chú tôi, lo lắng đủ đường nếu con phải nhập ngũ. Lo quân đội nghiêm khắc con không hoàn thành nhiệm vụ. Lo con phải luyện tập ngày đêm vất vả. Lo 2 năm nhập ngũ con sẽ lỡ dở việc học hoặc công việc…
Mỗi mùa gọi công dân nhập ngũ, tôi lại nghe râm ran đâu đó vẫn còn chuyện nhà nọ nhà kia con đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng lại không chấp hành. Chuyện nhờ vả người thân quen để xin xỏ cho con em được miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự vẫn còn. Có trường hợp viện đủ lý do con em đi làm ăn xa, sức khỏe yếu hay thậm chí sẵn sàng nộp phạt vài triệu đồng để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Trên mạng xã hội còn chỉ cho nhau cách để bị loại khi đi khám tuyển… Chính vì những nguyên nhân này mà công tác tuyển quân ở một số địa phương gặp khó khăn, không hoàn thành chỉ tiêu.
Tôi bất giác nhớ đến hình ảnh anh tôi - một người lính Cụ Hồ, hôm anh cùng đồng đội tham gia trực chốt Covid-19 trong đợt đại dịch bùng phát ở Hải Dương. Lại nhớ hình ảnh các anh bộ đội lật tung bùn đất tìm đồng đội và những người mất tích ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) trong đợt mưa lũ vừa qua. Lại thấy tự hào khi biết thông tin hai anh em ở Thanh Hà, 4 thanh niên ở Minh Tân (Kinh Môn), 16 thanh niên ở TP Hải Dương cũng viết đơn tình nguyện nhập ngũ trong mùa tuyển quân này...
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ cứ sáng ngời trong tôi như thế, dù ngày lễ, Tết, anh tôi và đồng đội thường không được về sum họp cùng gia đình. Lúc mọi người được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau thì các anh phải làm nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên cho nhân dân.
Có lẽ chính những hiểm nguy, vất vả trong nhiệm vụ của người lính như thế khiến không ít gia đình e ngại khi cho con nhập ngũ. Làm sao để người dân yên tâm khi con nhập ngũ? Có lẽ trong công tác tuyên truyền, ngoài thông tin để người dân hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm của công dân thì nên có thông tin về cuộc sống của thanh niên trong quân ngũ. Nên nói cho người dân biết con em họ được tôi luyện ra sao, trưởng thành như thế nào trong môi trường quân đội. Sau 2 năm nhập ngũ, những thanh niên ấy sẽ được tạo điều kiện học nghề…
Hơn ai hết, những gia đình có con từng tham gia nghĩa vụ quân sự cảm nhận thấy rõ nhất sự trưởng thành của con em mình sau thời gian nhập ngũ, thấy tự hào vì con là người lính Cụ Hồ.
NGÂN HẠNH