Nước Ý hoang vắng sau lệnh cách ly 16 triệu người

09/03/2020 22:00

Sau khi Thủ tướng Ý ký sắc lệnh cách ly 16 triệu người tại vùng Lombardy và 14 tỉnh khác để ứng phó dịch COVID-19, quốc gia này trở nên hoang vắng chẳng khác nào ‘thành phố ma'.

Một con đường tại Milan (Ý) vắng tanh không bóng người kể từ sau khi sắc lệnh phong tỏa được thi hành

Theo Reuters, sắc lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực Bologna, thủ phủ Milan và 14 tỉnh khác ở vùng Piemonte, Emilia-Romagna, Veneto được coi như một hành động quyết liệt của chính phủ Ý nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng lây lan dịch COVID-19.

Tính đến sáng 9.3 (giờ Việt Nam), Ý đã có hơn hơn 7.300 ca nhiễm, 366 ca tử vong, trở thành "tâm dịch" của châu Âu.

Bộ Nội vụ Ý cho biết bất cứ ai chống lại sắc lệnh đều có nguy cơ phải ngồi tù ít nhất ba tháng hoặc chịu phạt tiền 233 USD.

Chỉ những người có lý do bất khả kháng mới được phép vào hoặc ra khỏi khu vực cách ly.

Sắc lệnh phong tỏa kéo dài đến ngày 3.4 sẽ ảnh hưởng tới ít nhất 16 triệu người dân, khiến khu vực tập trung nhiều trung tâm thương mại, thời trang, điểm du lịch, văn hóa, tôn giáo nổi tiếng bậc nhất thế giới trở nên vắng tanh, buồn tẻ.

Những hàng ghế trống trước quảng trường St Peter (Vatican). Tuy khu vực này không nằm trong danh sách bị cách ly nhưng cũng không có du khách đến dự lễ giống như trước đó. Ảnh: EPA

Khu phố Navigli bên cạnh kênh Naviglio Grande tối 8-3 vắng người qua lại. Phố Navigli vốn là một điểm thu hút du khách nhờ nhiều cửa hàng thời trang, studio nghệ thuật lớn nhỏ bên cạnh các nhà hàng phục vụ ẩm thực chính thống của Milan. Ảnh: LAPRESSE/AP

Quảng trường Duomo mang tính biểu tượng của Milan gần như bị bỏ hoang. Tuy rất đẹp nhưng khi không có du khách, những điểm đến này trở nên vắng lặng, buồn tẻ, mất đi một cảm giác ồn ào quen thuộc vốn có. Ảnh: REUTERS

Nắng phủ trên sân quảng trường San Marco ở Venice, nơi thu hút tới hàng triệu du khách mỗi năm. Ảnh: AFP

Hai du khách lặng lẽ ngồi nói chuyện với nhau tại quảng trường San Marco tối 8.3. Ảnh: GETTY

Sau lệnh phong tỏa cách ly, không ít người dân và du khách nhanh chóng thu dọn đồ đạc tìm cách rời khỏi đó nhưng phần lớn người dân lựa chọn ở lại, nghiêm túc thực hiện theo sắc lệnh. Ảnh chụp tại Galleria Vittorio Emanuele II ở trung tâm Milan hôm 8.3. Ảnh: AFP

Khắp các ga tàu, sân bay, điểm du lịch được thiết lập trạm kiểm soát để kiểm tra nhiệt độ của người dân và ngăn chặn tất cả các ôtô trên các tuyến đường chính ra vào khu vực cách ly. Hình ảnh một người dân được đo thân nhiệt bên ngoài sân vận động Allianz ở Torino. Ảnh: AFP

Vẻ buồn bã, bế tắc hiện lên trong cả dáng đứng của người lái thuyền Gondola ở Venice. Phong tỏa, cách ly đồng nghĩa với không có du khách, không có việc làm và không có thu nhập. Ảnh: AFP

Một nhà hàng tại Galleria Vittorio Emanuele (Milan) vắng bóng thực khách. Ảnh: GETTY

Trận đấu của AC Milan và Genoa CFC hôm 8.3 tại sân Giuseppe Meazza (Milano) diễn ra mà không có khán giả. Ảnh: GETTY

Vẻ lo lắng, mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt người dân. Giống như nhiều quốc gia khác, sự xuất hiện của COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của người Ý. Ảnh: AFP

Một phụ nữ với xe đẩy chất đầy hàng hóa ở Via Rubattino (Milan). Người dân của khu vực này gần như “điên cuồng” lao đi mua sắm dự trữ nhu yếu phẩm sau khi sắc lệnh cách ly được ban hành. Ảnh: IPA

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Ý hoang vắng sau lệnh cách ly 16 triệu người