Người nuôi thủy sản ở Hải Dương đang trong thời điểm tích cực chăm sóc và bảo vệ đàn cá với kỳ vọng thắng lợi ở vụ cá Tết sắp tới.
Theo ông Đặng Văn Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Thuỷ sản Đoàn Kết (Thanh Miện), đang vào giai đoạn thu hoạch nên các hộ nuôi rất chú trọng công tác chăm sóc và bảo vệ đàn cá. Do thời tiết thay đổi thất thường nên người nuôi phải cho máy sục khí oxy hoạt động 15 tiếng/ngày. Các hộ cũng bổ sung dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho cá và hạn chế cho ăn vào buổi chiều hằng ngày. Lượng thức ăn cho cá hiện chỉ bằng 50% so với những tháng trước đây. Môi trường nước cũng được vệ sinh và thay đổi thường xuyên để đề phòng dịch bệnh.
Hợp tác xã Thuỷ sản Đoàn Kết có 350 thành viên với tổng diện tích ao nuôi 87,7 ha. Dịp Tết năm nay, hợp tác xã dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường từ 250-300 tấn cá thương phẩm, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 20% tổng sản lượng năm. Giá các loại cá nước ngọt như: rô phi, trắm, chép, trôi... đang giữ ở mức khá cao nên người nuôi rất phấn khởi. Cụ thể, cá rô phi 34.000 đồng/kg, cá chép 44.000 đồng/kg, cá trôi 25.000 đồng/kg (đều loại 1 kg trở lên), cá trắm cỏ 52.000 đồng/kg (loại 2 kg trở lên), đều tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
"Gần chục năm trở lại đây, giá cá nước ngọt mới ở mức cao như hiện tại. Với mức giá này, người nuôi sẽ lãi từ 7-10 triệu đồng/tấn. Chúng tôi mong thị trường Tết tiêu thụ tốt để có thể duy trì giá cá ổn định", ông Tuyền cho biết.
Men theo triền đê sông Kinh Thầy, chúng tôi tìm đến những lồng nuôi cá của Hợp tác xã Nam Thu Toản Trí Hải ở xã Nam Tân (Nam Sách). Hiện nay, hợp tác xã có 7 thành viên với tổng số khoảng 250 lồng nuôi, chủ yếu là cá lăng đen, chép giòn, trắm giòn... Bằng hình thức nuôi gối vụ, người nuôi cá lồng có sản phẩm bán quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán được xem là vụ thu hoạch chính. Bởi vậy, nông dân tính toán kỹ lưỡng thời gian thả cá tập trung vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao để phục vụ tiêu dùng, trong dịp Tết.
Ông Lương Quang Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nam Thu Toản Trí Hải cho biết: “Năm nay, diễn biến thời tiết bất thường hơn mọi năm. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi, quan sát màu nước sông và mực nước thủy triều, áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh cho cá, tăng cường sục oxy, quan sát cá để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh để phòng trừ. Ngay khi nước sông có dấu hiệu bất thường thì không chỉ các thành viên trong hợp tác xã mà bà con nuôi cá trong xã đều kịp thời thông báo cho nhau”.
Một tín hiệu vui với những người nuôi cá là thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi đã cơ bản ổn định, không còn tăng liên tiếp như thời gian trước. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Hợp tác xã Nam Thu Toản Trí Hải dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 250 tấn cá. Không chỉ thị trường trong tỉnh, sản phẩm của hợp tác xã còn được cung cấp tới nhiều địa phương lân cận. Đặc biệt trong sản lượng bán dịp Tết này dự kiến có từ 50-70 tấn cá tầm.
Là một thành viên của Hợp tác xã Nam Thu Toản Trí Hải, anh Nguyễn Huy Toản cho biết: “Cá tầm được người tiêu dùng ưa thích trong 2-3 năm trở lại đây nên tôi cũng mạnh dạn đầu tư một vài lồng nuôi. Với 2 năm nuôi thử nghiệm loại cá này, tôi hy vọng dịp xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ có những kết quả tích cực”.
Hiện nay, giá cá trắm giòn từ 110.000-120.000 đồng/kg, chép giòn từ 160.000-170.000 đồng/kg, cá tầm từ 200.000-240.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên đán, mức giá được các hộ nuôi nhận định sẽ tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg. Với mức giá này, dự kiến các hộ thu lãi bình quân khoảng 20 triệu đồng/tấn cá.
Theo Sở Công thương, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thủy sản trong tỉnh ước đạt từ 900-1.000 tấn trong dịp Tết Giáp Thìn, sức mua được dự đoán sẽ tập trung từ 28 đến 30 tháng chạp và từ ngày 5 đến 15 tháng giêng. Trong khi đó, các hợp tác xã, hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có thể cung ứng ra thị trường khoảng 9.000 tấn/tháng. Với dự báo này, Hải Dương không chỉ bảo đảm nguồn cung thủy sản dịp Tết cho nhân dân trong tỉnh mà còn xuất bán ra thị trường tỉnh ngoài.
Số liệu từ Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: Diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 12.082 ha. Tổng sản lượng thủy sản năm nay ước đạt 106.000 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có 7.358 lồng nuôi cá, sản lượng nuôi cả năm ước đạt 26.000 tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022.