Làng Vội - tên gọi của làng Kim Xuyên ở xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương từ lâu nổi tiếng có nghề làm bánh đa với hương vị đặc trưng. Một số người dân vẫn bám nghề và truyền nghề cho thế hệ sau.
Gắn với ký ức tuổi thơ
Gia đình ông Nguyễn Viết Báo (56 tuổi) là hộ dân có tiếng làm bánh đa nướng trong làng. Ký ức tuổi thơ của ông Báo là những ngày cùng mẹ xay bột làm bánh rồi đem bán ở khắp các chợ trong huyện. Khi lớn lên ông vẫn theo nghề và gắn bó cho đến tận bây giờ.
Theo ông Báo, nghề làm bánh đa cần sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chọn gạo, xay bột đến tráng bánh và phải có "bí kíp" riêng.
Từ 3 giờ sáng, căn bếp của mỗi gia đình làm nghề đã sáng đèn để chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh. Gạo làm bánh phải là gạo mới, giống Q5 hoặc Khang Dân, không được xát quá kỹ để giữ phần lớp “áo”. Gạo cần ngâm đủ nước, hạt đến độ căng mọng thì cho vào xay, nếu ngâm quá giờ, gạo sẽ bị chua.
Trung bình mỗi tháng gia đình ông Báu làm từ 4.500-5.000 chiếc bánh đa. Vào dịp Tết Trung thu, lượng bánh đa nướng làm ra nhiều gấp đôi. Nhờ sản phẩm thơm ngon, giòn rụm nên bánh đa nướng của gia đình ông Báu được tiêu thụ ở hầu khắp các cửa hàng trong và ngoài huyện. "Niềm vui lớn nhất là khi những chiếc bánh do chính tay mình làm ra được mọi người khen ngon, được du khách mua về làm quà", ông Báo chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Luyên (53 tuổi), người dân làng nghề bánh đa "Vội" cho biết để làm được mẻ bánh đa thành công còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Người tráng phải thực hiện đều tay để bánh khô đều dưới ánh nắng mặt trời. Những đợt nắng to sẽ giúp bánh khô kỹ. Sau đó, bánh được cho lên bếp nướng. "Mỗi chiếc bánh được tráng hai lần. Sau khi lớp bột thứ nhất vừa chín tiếp tục láng một lớp bột mỏng, sau đó rắc vừng lên bề mặt chiếc bánh", bà Luyên nói.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm bánh đa không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra thì tên làng Vội đã gắn liền với nghề này.
Gió thu chiều mang theo hương thơm của gạo mới cùng với tiếng nổ lách tách của bánh đa nướng trên bếp than hồng của các hộ làng nghề bánh đa "Vội" làm cho khung cảnh làng quê thêm sinh động.
Hiện nay, bánh đa làng Vội không chỉ được cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn được đưa sang một số địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng để tiêu thụ.
Không chỉ có bánh đa nướng, người dân làng Vội còn nổi tiếng với bánh đa ướt. Gia đình ông Trần Công Chuân là hộ dân duy nhất trong xã giữ được cách làm bánh này. Bánh đa ướt được ăn kèm với thịt nướng, rau thơm, chấm với chút mắm cáy, tạo nên hương vị thơm ngon nên được rất nhiều người ưa chuộng. Khác với bánh đa nướng, nguyên liệu làm bánh đa ướt cần chọn gạo dẻo.
Nguy cơ bị mai một
Làng nghề bánh đa “Vội” từng có thời kỳ "hoàng kim" khi những phên nứa bánh đa được phơi khắp nơi trong sân đình, sân nhà... Nhà nhà trong thôn đều làm bánh, tấp nập xe ra vào của thương lái đến mua.
Bánh đa "Vội" nổi tiếng gần xa bởi vị ngọt vừa, giòn, vị bùi và ngậy rất riêng. Tuy nhiên, đến nay, cả thôn Vội chỉ còn 4 hộ gắn bó với nghề này khiến người làm nghề không khỏi trăn trở.
“Giới trẻ làng Vội ngày nay ít người mặn mà với nghề thủ công. Làm bánh vất vả, thu nhập lại không cao, nên nhiều thanh niên trong làng không muốn theo học nghề. Nếu tình trạng này tiếp tục, làng nghề truyền thống của chúng ta sẽ mai một", ông Báo nói.
Theo UBND xã Chí Minh, hiện số gia đình duy trì làm nghề này không còn nhiều nhưng nhờ chất lượng nên bánh đa nướng làng Vội vẫn duy trì thương hiệu riêng trên thị trường.
"Mỗi chiếc bánh đa tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng bao tình cảm, tâm sức của bà con làng nghề. Người dân mong muốn truyền lại nghề cho thế hệ con cháu, để làng nghề bánh đa Vội tiếp tục được gìn giữ và phát triển”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết.
Ngày nay có muôn vàn thức quà từ bình dân đến sang trọng nhưng dường như bánh đa làng Vội vẫn trở thành món quà quê yêu thích của nhiều người và đặc biệt với những người đi xa, họ luôn tìm đến như để nhớ về với cội nguồn, với ký ức của một thời thơ ấu.
NGUYỄN THẢO