40 tuổi nhưng chưa lấy vợ nên mỗi lần về quê anh Khoa thường bị các bà các cô hỏi khéo có phải thuộc cộng đồng LGBT không.
Người đàn ông ở TP Hồ Chí Minh được đánh giá là "lý tưởng" bởi chưa từng kết hôn, không hay tụ tập nhậu nhẹt, có công việc ổn định. Nhưng vì làm trong ngành thiết kế thời trang nên lâu nay anh Khoa Nguyễn thường bị hiểu nhầm thuộc giới LGBT.
Gần đây thấy anh ăn chay, mọi người lại chuyển sang bàn tán "chắc tính đi tu".
"Đây là hai nỗi oan lớn nhất trên con đường tìm vợ của tôi", anh Khoa Nguyễn, ở Củ Chi nói.
Tương tự, anh Thành Nam, giám đốc một doanh nghiệp ở quận 9, TP Hồ Chí Minh, cũng nhiều lần chịu mang tiếng oan khi tìm bạn đời ở tuổi trung niên.
Người đàn ông 44 tuổi thường xuyên nhận được các câu hỏi như "Anh khó tính lắm phải không? Anh có gia trưởng, kén chọn không? Hay anh có vấn đề gì?".
Trong vài lần gặp gỡ bạn khác giới gần đây, tất cả đều chung thắc mắc: "Em thấy anh rất ổn, vui tính, hòa đồng, mà sao tới giờ chưa lấy vợ? Hay anh có gia đình rồi mà giấu?".
Khoa và Nam nằm trong số hơn 10 triệu người độc thân ở Việt Nam. Kết quả của các đợt Tổng điều tra dân số đều cho thấy tỷ lệ nam giới Việt kết hôn lần đầu luôn thấp hơn phụ nữ và tuổi kết hôn cũng cao hơn. Tuy nhiên từ độ tuổi trung niên (40 tuổi) tỷ lệ nam kết hôn lại cao hơn nữ.
Trong đó, tuổi kết hôn lần đầu ở đô thị muộn hơn nông thôn do các chi phí cần thiết cho việc lập gia đình lớn hơn, đặc biệt vấn đề nhà ở. Hơn nữa lối sống đô thị ưu tiên ổn định trước khi kết hôn, nhu cầu về cuộc sống gia đình có chất lượng cao hơn là một số nguyên nhân, theo giáo sư Nguyễn Hữu Minh, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Chuyên gia này cũng cho rằng tình trạng độc thân chủ yếu do hoàn cảnh sống. Hai nguyên nhân chính là không tìm được người phù hợp và do hoàn cảnh (như bố mẹ già, neo đơn, kinh tế khó khăn).
Trong xu hướng hiện nay, nguyên nhân thích cuộc sống tự do cũng góp phần làm gia tăng số người độc thân ở Việt Nam.
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho biết đàn ông trung niên chưa lập gia đình thường bị gắn với các định kiến như "chắc bị hâm", "sinh lý có vấn đề", "kén cá chọn canh", hoặc bị đồn đoán là LGBT.
Theo chuyên gia có hai nguyên nhân dẫn đến nỗi oan này của họ. Đầu tiên là tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt là 26,9 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh là 29,8 tuổi. Người Việt đang trong xu hướng kết hôn ngày càng muộn hơn, tuy nhiên những người đàn ông 40 tuổi chưa lấy vợ vẫn thuộc hàng hiếm. Vì họ là thiểu số nên dễ khiến người xung quanh nhìn trên chuẩn thông thường mà đặt câu hỏi hoặc gán cho những định kiến.
Thứ hai, những định kiến này đôi khi xuất phát từ tiếp xúc vài cá nhân nhỏ lẻ rồi quy chụp cho tất cả. Tâm lý học gọi đây là lỗi tư duy Ngụy biện kết luận ẩu (Jumping to conclusions), tức đưa ra kết luận trước khi có thông tin, dữ liệu xác thực sự thật, bất kể kết luận đó đúng hay sai.
Bà mối Nguyễn Thị Thùy Chi, 34 tuổi, dịch vụ hẹn hò Rudicaf có lịch sử 8 năm ở Hà Nội cho biết có nhiều nguyên nhân khiến nam giới khó lấy vợ như tập trung cho sự nghiệp mà bỏ qua giai đoạn tìm hiểu, khi muốn kết hôn lại không gặp được ai hoặc lớn tuổi rồi ngại yêu.
Thực tế tiếp xúc với hàng nghìn hồ sơ hẹn hò, Chi nhận thấy thường những nam giới trung niên còn độc thân là họ có tiêu chí chọn bạn đời cao. Đặc biệt càng có tuổi, họ càng mong tìm được phụ nữ trẻ. "Các anh ấy không nói ra với người thân, bạn bè tiêu chí chọn vợ vì sợ bị chê cười", Thùy Chi cho biết.
Tuy nhiên, những người phụ nữ phù hợp tiêu chí lại ít có khả năng lựa chọn đàn ông trung niên. Nhiều lần Chi trao đổi với các ứng viên nữ, họ đều thắc mắc "Sao tuổi này còn độc thân?", đồng thời tỏ ý không muốn gặp mặt.
Anh Thành Nam thừa nhận mình kết hôn muộn là do mải mê công việc ở thời trẻ. Từ vùng quê nghèo miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, anh dành hết thời gian cho sự nghiệp, không yêu đương. Sau này anh cũng trải qua vài mối tình, nhưng vì không có thời gian cho người ấy nên tình cảm tan vỡ. Mối quan hệ gần nhất kết thúc cách đây hơn bốn năm.
Mấy năm gần đây, anh đặt mục tiêu lập gia đình nên chủ động tìm kiếm bạn khác giới. Tuy nhiên, việc tìm bạn gái không còn dễ như trước khi tuổi càng lớn, cơ hội gặp gỡ càng ít đi. Có một dạo anh thử tìm qua các app hẹn hò nhưng không thấy hiệu quả.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga chia sẻ gần đây trong một hội nhóm nam giới có người đàn ông trung niên xin chỉ cách theo đuổi phụ nữ. Rất nhiều người hiến kế nhưng bà Nga chú ý đến một bình luận: "Tuổi này bác ưu tiên có ai quen biết giới thiệu mối nào hợp thì tiến tới, chứ còn làm theo cách của mấy ông trên đi xin số, cưa cẩm thì có mà bị cho là biến thái".
Đồng ý với quan điểm này, nhà tâm lý bổ sung thêm rằng họ cũng nên hạ bớt tiêu chuẩn bởi đôi khi chính là các tiêu chí đặt ra ngày trẻ đã bó buộc họ. "Khi mở lòng thì hạnh phúc cũng tới", bà Nga chia sẻ.
Bà mối Thùy Chi cũng khuyên những người đàn ông trung niên độc thân nên trả lời ba câu hỏi: Hình mẫu người phụ nữ bạn muốn có thực sự phù hợp với bạn không? Bạn có gì để thu hút người phụ nữ đó? Với bạn, những yếu tố nào là yếu tố cần cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc?
Từ 5 năm trước anh Khoa đã nỗ lực tìm đối tác kết hôn nhưng chưa thành. Hiểu được những bất lợi của tuổi trung niên, nên anh xây dựng mình hình tượng người đàn ông của gia đình, giỏi nội trợ, việc nhà, điện nước và cũng là trụ cột kinh tế. Tính anh hài hước, ăn chay và hay làm từ thiện. Hiện anh đã gây dựng lại công việc ở mức vừa phải, biết đủ, sống chậm. "Ở tuổi này tôi cũng biết cần phải sẻ chia nhiều hơn, thay vì đòi hỏi như lúc còn đôi mươi", anh bộc bạch.
Không vướng bận vợ con các năm qua giúp anh Thành Nam chuyên tâm đạt được mục tiêu đề ra. Cuộc sống trung niên của anh vẫn như tuổi đôi mươi, chăm chỉ làm việc, đi chơi thể thao hàng tuần, thi thoảng giao lưu bạn bè.
Dù vậy trong sâu thẳm anh luôn mơ về gia đình và những đứa trẻ. Nếu được chọn lại, anh sẽ ưu tiên kết hôn trước, bởi dù sao có thêm người đồng hành cùng chia sẻ, có hậu phương vững chắc có khi lại phát triển nhanh hơn.
"Bao năm nay có một mình tự lo mọi thứ buồn lắm", anh nói.
T.H (theo VnExpress)