Vụ án anh trai sát hại cả gia đình người em ở Đan Phượng (Hà Nội) gây rúng động dư luận vì mức độ thảm khốc.
Cái kết đau xót này có nguyên nhân bắt nguồn từ việc hai gia đình tranh chấp chỉ 0,5 m đất giáp ranh. Chỉ nửa mét đất không thỏa thuận được việc phân chia đã khiến cho 4 người bỏ mạng, 1 người bị thương nặng cho thấy sự nguy hiểm của những mối mâu thuẫn vì đất đai.
Đây không phải lần đầu tiên có án mạng do tranh chấp đất mà trước đó đã có những vụ tương tự xảy ra ở nhiều địa phương. Mối mâu thuẫn về đất đai dễ gây ra hậu quả nặng nề khó lường do đất đai là tài sản được coi trọng, có giá trị không chỉ về vật chất mà cả tinh thần. “Tấc đất cắm dùi” là mơ ước chung của người dân từ nhiều đời nay. Đa phần đều coi nó là tài sản vĩnh viễn, mong muốn để lại cho con cháu đời sau nên phải bảo vệ, giữ gìn. Đất đai là thứ hiện hữu ngay trước mắt con người hằng ngày nên nếu có tranh chấp thì mối mâu thuẫn lúc nào cũng ở trước mắt, dễ bị tích tụ đẩy lên cao trào. Trong khi đó sự hiểu biết của nhiều người về thủ tục giải quyết những tranh chấp đất đai còn rất hạn chế. Họ không biết phải kiện tụng như thế nào, thủ tục ra sao, ai sẽ có thẩm quyền giải quyết. Và trên thực tế, nhiều vụ kiện kéo dài, không được giải quyết triệt để khiến người dân ngại nhờ đến pháp luật phân chia mà muốn tự xử lý.
Điều đau xót là rất nhiều vụ án xảy ra trong gia đình, những người thân ruột thịt sát hại lẫn nhau hay nhẹ hơn là gây thương tích, kiện cáo, từ mặt nhau. Phần đất đai tranh chấp thường được bố mẹ, ông bà để lại cho con cháu nhưng không có sự phân chia rõ ràng ngay từ đầu, sau đó những người thừa hưởng lại không thỏa thuận được một cách êm đẹp. Vậy là tài sản của thế hệ trước để lại với mục đích giúp con cháu có cuộc sống ổn định, dễ dàng hơn lại vô tình trở thành nguyên nhân gây chia rẽ, mất đoàn kết.
Để tránh những hệ quả không hay do tranh chấp đất đai thừa kế, những người muốn để lại đất cho con cháu nên có sự phân chia rõ ràng, có căn cứ pháp lý đầy đủ để có thể nhờ đến pháp luật phân xử khi cần thiết.
Theo quy định của pháp luật thì những tranh chấp về quyền sử dụng đất đều phải được hòa giải ở cơ sở trước khi các đương sự gửi đơn lên UBND cấp huyện hoặc kiện ra tòa án. Chính quyền cơ sở cần nắm được những vụ tranh chấp để tổ chức hòa giải. Việc hòa giải phải được tiến hành bằng những cách thức phù hợp với đối tượng để có hiệu quả cao chứ không nên chỉ mang tính hình thức cho đầy đủ thủ tục.
Do yếu tố lịch sử, các chính sách đất đai của nước ta có nhiều thay đổi, người dân khó lòng nắm rõ các quy định. Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm đưa thông tin, kiến thức pháp luật đất đai đến với người dân, đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật tại cơ sở. Đồng thời xử lý dứt điểm các vụ tranh chấp đất đai, không để khiếu kiện kéo dài...
LAM ANH