Bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn đang trong giai đoạn rất nặng vì nọc độc đã tấn công vào cơ tim, vùng đùi bị hoại tử mạnh.
>>> Rắn hổ mang chúa 2,5m cắn người, người ôm luôn rắn vào bệnh viện cấp cứu
Ngày 23.8, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết sức khỏe của bệnh nhân P.V.T. (48 tuổi), người bị rắn hổ mang chúa cắn khi làm vườn ở Tây Ninh, đang yếu đi.
Theo bác sĩ Sang, nọc độc rắn hổ mang đã tấn công vào cơ tim của bệnh nhân. Vết rắn cắn ở vùng đùi bệnh nhân đang bị hoại tử, sưng phù. Các bác sĩ đã chuyển người bệnh lên khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để chăm sóc tích cực và điều trị.
Bệnh nhân P.V.T. đang được điều trị tích cực tại bệnh viện |
“Sáng nay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân vẫn rất nặng. Các bác sĩ đang thay huyết tương, chạy lọc máu chậm và theo dõi sức khỏe của ông T. từng ngày”, bác sĩ Sang nói.
Bác sĩ Sang cho hay đa phần nạn nhân bị rắn hổ mang cắn thường tử vong trước khi đến bệnh viện vì loài bò sát này có nọc độc rất mạnh.
Bệnh nhân không cấp cứu kịp sẽ bị liệt cơ hô hấp, ngạt thở và tử vong. Nếu bác sĩ cứu kịp bệnh nhân ở giai đoạn đầu, giai đoạn 2 nọc độc tiếp tục tấn công vào cơ tim và ở vùng rắn cắn cũng bị hoại tử. Lãnh đạo bệnh viện đang huy động tối đa các thiết bị tiên tiến nhất để cứu bệnh nhân.
Khoảng 7 giờ 30 ngày 19.8, ông P.V.T. đang làm vườn ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) thì phát hiện con rắn hổ mang chúa.
Ông T. đuổi theo bắt và bị rắn cắn vào đùi bên phải. Nạn nhân chụp được đầu con rắn, tự ga-rô và chạy ra đường nhờ người dân chuyển đi Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cấp cứu.
Người nhà bệnh nhân cho biết con rắn hổ mang chúa dài khoảng 2,5 m và nặng 4,5 kg. Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu, con rắn vẫn còn sống và quấn quanh khuỷu tay ông T.
Theo Zing