Y tế - Sức khỏe

Phát hiện bé gái ở Tây Ninh nhiễm vi khuẩn não mô cầu

T.H (theo Tuổi trẻ) 05/04/2024 13:30

Bé gái ở Tây Ninh có triệu chứng sốt cao, xuất huyết da chưa rõ nguyên nhân, được lấy mẫu dịch não tủy xét nghiệm PCR và cho kết quả nhiễm vi khuẩn não mô cầu.

be-mac-benh-mo-cau-17122312905241821642765.jpg
Biểu hiện trên da bé gái 5 tuổi ở Tây Ninh bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu

Tối 4/4, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP Hồ Chí Minh) - cho biết hiện bé gái H.N.K. (5 tuổi, ngụ Hòa Thành, Tây Ninh) bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis vẫn còn cách ly, điều trị với tình trạng nặng, thở máy.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, vào chiều 29-3, sau khi bé K. đi học về thì có triệu chứng sốt cao và được mẹ cho uống thuốc hạ sốt.

Đến 22h cùng ngày, bé lại sốt, kèm theo nổi ban ửng đỏ toàn thân, người nhà tiếp tục cho bé uống thuốc hạ sốt.

Đến 3h15 ngày 30/3, bé vẫn còn sốt cao nên gia đình đưa vào nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hồng Hưng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi ban xung huyết vùng cánh tay hai bên, lưng, bụng với chẩn đoán sốt ngày 1, xuất huyết dưới da chưa rõ nguyên nhân kèm theo viêm họng.

Bé K. được điều trị và chỉ định làm các cận lâm sàng, sau đó chuyển lên khoa nhi tại bệnh viện và điều trị bằng kháng sinh.

Trưa cùng ngày, bé được chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh để điều trị với chẩn đoán sốt nhiễm trùng, theo dõi nhiễm trùng huyết và viêm mạch máu xuất huyết.

Ngày 2/4, bệnh nhi được lấy mẫu dịch não tủy xét nghiệm PCR và cho kết quả nhiễm vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Sau đó, bệnh nhi được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên.

Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá...).

Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác ở nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10 - 20%; tỉ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Phòng nhiễm vi khuẩn não mô cầu thế nào?

Để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh.

Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu, cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát, xử lý kịp thời.

T.H (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát hiện bé gái ở Tây Ninh nhiễm vi khuẩn não mô cầu