Quy vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, mạnh dạn khảo nghiệm giống lúa mới là những yếu tố góp phần mang về một vụ mùa thắng lợi cho người dân huyện Ninh Giang.
Nhờ quy vùng tập trung, nông dân Ninh Giang dần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang làm bằng máy, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp (ảnh tư liệu)
Hơn 6.300 ha diện tích gieo cấy lúa mùa năm nay của huyện Ninh Giang được đánh giá mang lại năng suất cao nhất trong nhiều năm qua. Quy vùng sản xuất tập trung bài bản cùng hiệu quả từ những giống lúa mới là những nhân tố tích cực góp phần mang đến vụ mùa bội thu.
Ninh Giang là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh về dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, từng bước phát triển sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều năm qua, nông nghiệp Ninh Giang đã có những bước tiến mang tính đột phá khi hình thành hàng loạt cánh đồng mẫu lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với nhiều giải pháp chủ động, tích cực, vụ mùa năm nay Ninh Giang đã xây dựng được 48 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích mỗi vùng từ 30 ha trở lên tại 19 xã, trong đó nổi bật là liên vùng sản xuất trên 80 ha tại 2 xã Hưng Long và Hồng Phúc. Một số xã đã xây dựng và thực hiện từ 2 vùng trở lên như Kiến Quốc, Tân Quang, Nghĩa An. Trong đó có 2 vùng thực hiện sản xuất tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm tại các xã Tân Quang và Hồng Đức với tổng diện tích hơn 90 ha.
Vụ mùa năm nay, trên 1.730 ha tổng diện tích các vùng sản xuất lúa tập trung của huyện tập trung trồng các giống lúa BC15-02, Bắc thơm số 7, nếp DT22 với quy trình sản xuất "một vùng, một giống, một thời gian". Giống lúa BC15 đã được nhân dân nơi dây gieo cấy nhiều vụ, nhưng ở vụ mùa này đã được cải tiến và lấy tên là BC15-02. Đây là giống lúa mới được lai tạo, chọn lọc theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, nhất là khả năng kháng bệnh đạo ôn.
Lựa chọn và đưa vào khảo nghiệm một số giống lúa mới chất lượng cao đã góp phần mang lại một vụ mùa thắng lợi cho huyện Ninh Giang
Do ít sâu bệnh, các giống lúa phát triển tốt, trổ bông đúng thời điểm nên năm nay lúa tại các vùng tập trung cho năng suất cao, mang niềm vui về cho người dân. Hơn 3 sào lúa BC15-02 của gia đình bà Nguyễn Thị Then ở xã Hồng Dụ đã trĩu bông. Bà Then cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những vụ lúa trước bị thiệt hại nhiều do sâu bệnh, vụ này tôi nghe theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, mạnh dạn cấy giống lúa mới. Khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít tốn chi phí chăm bón, trừ sâu”. Sau khi thu hoạch, hơn 3 sào lúa của gia đình bà Then sẽ cho năng suất 2,4 tạ/sào, mang về thu nhập mỗi sào trên 2 triệu đồng.
Bà Hà Thị Lan Anh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Tại những vùng sản xuất tập trung, việc làm đất, gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch được thực hiện đồng bộ. So với các vùng trồng lúa nhỏ lẻ, năng suất của vùng tập trung cao hơn từ 30-40 kg/sào”. Bên cạnh đó, việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất và phòng trừ sâu bệnh dễ dàng hơn, giúp tiết kiệm chi phí. “Việc quy vùng sản xuất tập trung còn góp phần thay đổi tập quán canh tác, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao cho người dân”, bà Lan Anh cho biết thêm.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, vụ mùa năm nay, năng suất toàn huyện Ninh Giang đạt 62 tạ/ha, cao hơn vụ mùa năm 2019 khoảng 5 tạ/ha và là vụ mùa có năng suất cao nhất trong nhiều năm qua. Giá trị sản xuất trung bình đạt 55 triệu đồng/ha.
Ngoài việc tập trung thu hoạch lúa mùa, huyện Ninh Giang cũng đang chỉ đạo các địa phương đôn đốc, hướng dẫn nông dân chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ đông với phương châm "gặt lúa mùa đến đâu, làm đất trồng cây vụ đông đến đó". Theo kế hoạch, vụ đông năm nay huyện Ninh Giang sẽ gieo trồng trên 1.000 ha với nhiều giống rau màu có thế mạnh như ngô, bí xanh, bí đỏ…, huyện phấn đấu giá trị sản xuất trung bình đạt trên 87 triệu đồng/ha.
HÀ KIÊN