Ở xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nhiều người ví cụ Đào Văn Nhắc, người có công lớn trong việc kiến tạo, xây dựng hồ Tân Hương, như thành hoàng làng thời đại mới.
"Muốn ăn cơm trắng, cá ngần/Lấy chồng làng Bói cho gần chợ Hôm". Tôi theo hai câu ca còn lưu truyền ấy tìm về làng Bói (nay thuộc xã Tân Hương, Ninh Giang), khi sắp đến ngày khai hội Đình Cả (ngày 5/11 âm lịch).
Trong câu chuyện của dân làng, con cháu muôn phương về dự hội, ngoài nhớ đến 7 vị thành hoàng làng có công giúp dân, giúp nước đang được thờ tại Đình Cả, họ còn nhắc đến cụ Đào Văn Nhắc, người được ví như một vị thành hoàng làng ở thời đại mới.
Đứng trên ngọn cây cao, phóng tiêu chỉ đạo đào hồ, mở đường
Cụ Đào Văn Nhắc (sinh năm 1914, mất năm 1984), là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của xã Tân Hương. Theo lời kể của ông Đào Văn Viết (72 tuổi, cháu nội cụ Nhắc), sau thời gian tham gia cách mạng, dù được nhiều nơi động viên, giữ lại làm cán bộ nhưng cụ đều từ chối, chọn về quê.
Theo thông tin từ cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hương, làng Bói xưa rất nghèo, nhiều nhà tranh vách đất, đường lầy lội, quanh co. Ban Chấp hành Đảng bộ xã xác định, để tạo nên diện mạo nông thôn mới, giúp người dân ấm no thì rất cần có cảnh quan, giao thông thuận lợi. Sáng kiến đào hồ, mở đường được cụ Đào Văn Nhắc đưa ra và cụ cũng trực tiếp chỉ đạo, thực hiện.
Ý tưởng đào một hồ lớn ngay trung tâm xã với các trục đường lớn tỏa đi bốn hướng được coi là một quyết định tạo bạo, có tính đột phá, nhìn xa trông rộng mà đến bây giờ các thế hệ lãnh đạo kế nhiệm của xã Tân Hương cũng như người dân vẫn còn nhớ đến và nể phục.
Hồ Tân Hương được quy hoạch, xây dựng vào năm 1960. Sau gần 3 năm vất vả vận động di dân, hồ được đào vào năm 1963 và sau 2 năm thì hoàn thành. Do thời điểm đó xi măng làm bờ hồ khan hiếm nên đến những năm 1965-1970, hồ mới tiếp tục được hoàn thiện.
“Cụ Nhắc được nhớ đến là một người có tư duy đột phá, giúp vùng đất này thay da, đổi thịt. Thời đó, nhắc đến làng Bói thì hầu như ai cũng biết đến cụ Nhắc", ông Nguyễn Văn Tươi (59 tuổi), Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hương nói.
Trong hồi ức của ông Đào Văn Viết, hình ảnh ông nội đứng trên cây bàng cao nhất làng, dùng cột tre cắm cờ, phóng tiêu để chỉ đạo đào hồ và mở ra bốn con đường lớn xung quanh không bao giờ mờ phai.
“Ngày ấy, tôi cũng ra vác đất làm hồ. Ông nội rất tâm huyết với công trình này. Có hôm ông chỉ đút túi một ít ngô rang ăn đỡ, thường xuyên ngủ ngoài hội trường để thuận cho việc chỉ đạo đào hồ”, ông Viết kể.
Nhiều năm làm công tác văn hóa thông tin xã, lại là cháu họ bên ngoại với cụ Nhắc, ông Nguyễn Ngọc Quý (70 tuổi) cũng rất hào hứng chia sẻ những kỷ niệm liên quan đến hồ Tân Hương.
“Ngày đó, thuyết phục người dân rời bỏ nơi đang sinh sống để đến một địa điểm mới không dễ dàng. Với sự chân thành, chu đáo, kiên trì cùng với uy tín và tận tụy, cụ Nhắc đã cảm hóa, vận động được các hộ chuyển chỗ ở vì lợi ích chung”, ông Quý hồi tưởng.
Theo ông Quý, giữa lúc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, người dân vừa lao động sản xuất vừa chi viện cho chiến trường miền Nam, việc xây dựng một công trình chung lớn như vậy quả không dễ. “Tôi từng làm bên ngành giao thông đường bộ, đi rất nhiều địa phương nhưng để tìm ra một nơi có hồ tròn nằm giữa trung tâm với bốn trục đường lớn tỏa đi các xã như thế này thực sự hiếm thấy”, ông Quý nói.
Nơi gắn kết yêu thương
Dù theo dõi trên bản đồ vệ tinh hay ghé thăm, bất kỳ ai cũng nhận ra điểm nhấn nổi bật của xã Tân Hương chính là hồ cụ Nhắc cùng dân làng đào năm xưa.
Hồ nằm ở trung tâm xã. Từ hồ, 4 đường lớn tỏa ra các hướng đông - tây - nam - bắc. Hồ cũng là nơi tụ hội của 5 nhánh đường liên thôn.
Nhiều người cao tuổi ở địa phương đều công nhận hồ Tân Hương có nhiều giá trị. Hồ tạo cảnh quan cho xã, là điểm hẹn vui chơi, kết nối, thu hút du lịch, thương mại làng quê. Hồ còn giúp điều hòa môi trường vì nhiều cây xanh, cùng với mặt nước điều hòa không khí cho làng quê. Còn hệ thống đường giao thông 4 nhánh lớn tỏa ra từ hồ với ý tưởng làm 6 m mặt đường, hành lang mỗi bên 1 m, tổng là 8 m, ở thời bấy giờ là một tư duy táo bạo, đột phá. Vì đường sá thời đó chỉ rộng lắm tầm 1-2 m, ngoằn nghèo như con giun. Nên ý tưởng mở rộng như vậy là khác biệt. Và đến giờ hơn 60 năm vẫn còn phù hợp.
Thả bộ quanh hồ, chúng tôi có cảm giác như bắt gặp một Hồ Gươm thu nhỏ của Hà Nội ở Hải Dương. Giữa hồ là một đảo nhỏ gắn 4 loa phát thanh.
Chị Nguyễn Thị Thúy có 22 năm bán nước bên hồ chia sẻ: “Hồ Tân Hương gắn với tuổi thơ của thế hệ 7X chúng tôi. Vào dịp Quốc khánh mùng 2/9 hay các ngày lễ, Tết, thanh niên trong xã thường tổ chức cắm trại quanh hồ, chơi cướp cờ hay bắt vịt. Nơi đây không chỉ là lá phổi xanh mà còn là nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm”.
Vì gắn liền với đời sống văn hóa, đi vào tâm thức của người dân qua bao thế hệ nên Đảng bộ, chính quyền xã Tân Hương đã chọn hình ảnh hồ Tân Hương để in lên các bộ ấm chén và những sản phẩm lưu niệm khác tặng cho các đại biểu trong các sự kiện đặc biệt của địa phương.
LƯƠNG ĐÌNH KHOA