Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện nhiều và lan nhanh trên địa bàn huyện Ninh Giang, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
Huyện Ninh Giang tổ chức giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy lợn bị bệnh
Ngoài tập trung khoanh vùng, dập dịch, huyện đã và đang triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy lợn, tránh tình trạng người chăn nuôi khai báo không trung thực nhằm trục lợi.
Kiểm soát chặt
Là địa phương xuất hiện bệnh DTLCP muộn hơn một số huyện nhưng tốc độ lây lan ở Ninh Giang lại rất nhanh với số hộ và số xã có dịch nhiều nhất tỉnh. Đến ngày 21.3, có 13 xã, thị trấn xuất hiện bệnh DTLCP, tiêu hủy 601 con với tổng trọng lượng gần 30 tấn. Hiện nay, tình trạng lợn ốm, chết vẫn tiếp tục xuất hiện tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc tiêu thụ lợn gặp nhiều khó khăn, giá lợn trên thị trường giảm mạnh, chỉ còn từ 32.000 - 37.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với trước khi có dịch.
Được biết, trước thực tế giá lợn như hiện nay, với mức hỗ trợ tương đối cao, ở đây đã xuất hiện trường hợp hộ chăn nuôi trong vùng dịch có tâm lý muốn bỏ đàn, bỏ đói lợn ốm, để tiêu hủy nhằm được hỗ trợ. Nắm bắt được tâm lý của người chăn nuôi, huyện Ninh Giang đã có nhiều biện pháp để động viên các hộ chăn nuôi, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, tiêu hủy.
Theo ông Bùi Minh Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, để phòng, chống bệnh DTLCP và kiểm soát chặt chẽ tổng đàn lợn, trước khi bệnh DTLCP xuất hiện trên địa bàn, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn thống kê số lượng, loại lợn cụ thể của từng hộ chăn nuôi. Khi xuất hiện bệnh DTLCP, huyện đã yêu cầu các hộ không được nuôi mới, bổ sung hoặc tái đàn. Tại nơi có DTLCP, khi tiến hành tiêu hủy, huyện cử đoàn giám sát, trong đó cấp huyện có đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, còn lại là cán bộ xã và thôn. "Việc kiểm kê, cân lợn có sự giám sát chặt chẽ của các ngành, chức năng nên tình trạng khai báo, gian lận trong kê khai, tiêu hủy rất khó xảy ra", ông Chương nhấn mạnh.
Tại các xã, thị trấn, hằng ngày, cán bộ thú y lập sổ, theo dõi chặt chẽ số lượng lợn, diễn biến, tình trạng lợn của từng hộ. Trường hợp phát hiện lợn ốm hoặc chết mà không có dấu hiệu của bệnh DTLCP, lãnh đạo, cán bộ thú y của xã động viên người dân tiếp tục theo dõi, không tự ý báo tiêu hủy. "Trong trường hợp đã xác định đúng bệnh DTLCP thì việc tiêu hủy sẽ được giám sát chặt chẽ. Số lượng lợn, loại lợn tiêu hủy được đối chiếu với số lượng các hộ kê khai trước đó", ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết.
Hỗ trợ kịp thời
Người dân mong được hỗ trợ tiền và thuốc tiêu độc khử trùng kịp thời
Anh Đoàn Văn Biểu ở thôn 3, xã Tân Hương chia sẻ: "Chẳng có người chăn nuôi nào muốn lợn bị dịch để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi có dịch bệnh, người chăn nuôi bị thiệt hại rất lớn. Cuối năm 2017, gia đình tôi phải vay thêm vốn của ngân hàng để chăn nuôi. Đến nay, lợn bị DTLCP, đã tiêu hủy hết. Gia đình tôi giờ trắng tay. Trong lúc khó khăn này, chính sách hỗ trợ của tỉnh rất cần thiết. Chúng tôi mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của tỉnh để trả nợ và tái đàn sau này".
Trước tình hình bệnh DTLCP xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngày 6.3, liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung chi cho công tác phòng chống bệnh DTLCP. Theo đó, người chăn nuôi bị thiệt hại khi có lợn buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ 38.000 đồng/kg. Đến ngày 21.3, UBDN tỉnh có quyết định phê duyệt mức hỗ trợ cho người nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy để phòng chống bệnh DTLCP, trong đó hỗ trợ 32.000 đồng/kg đối với lợn con, lợn thịt các loại; 52.000 đồng/kg lợn nái, lợn đực giống.
Hiện nay, các hộ nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ cần được các cấp triển khai sớm, kịp thời. Để tránh tình trạng người chăn nuôi lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gian dối trong kê khai lợn tiêu hủy hoặc bỏ đàn, các cơ quan chuyên môn cần tích cực tuyên truyền, động viên người chăn nuôi, theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh. Người chăn nuôi nên áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch, không nên vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến chăn nuôi lâu dài.
PHAN THỦY