Dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay, cả nước ước tính đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch với doanh thu ước đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.
Theo đó, rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã đón được lượng khách tăng đột biến, như Thanh Hoá đón gần 900.000 lượt khách, Hà Nội đón gần 550.000 lượt, Quảng Ninh đón khoảng 340.000 lượt, TP Hồ Chí Minh đón khoảng 420.000 lượt, Đà Nẵng đón hơn 254.000 lượt... với doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng/địa phương.
Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngành du lịch đã hồi phục sau 2 năm trầm lắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để có được những thành quả này, phải ghi nhận những nỗ lực của ngành du lịch và các địa phương trong thời gian qua. Các bên đều đã có sự chuẩn bị, kế hoạch cụ thể, tổ chức nhiều sự kiện, chương trình tour mới, lạ… để thu hút khách. Đặc biệt, có kế hoạch “biến” “ngành công nghiệp không khói” làm “bàn đạp” để phục hồi kinh tế, bởi du lịch là ngành có đóng góp không nhỏ vào GDP của các địa phương và cả nước.
Có một điều cũng cần khẳng định, việc ngành du lịch thắng lớn trong kỳ nghỉ lễ năm nay là do chúng ta đã “đánh thắng” dịch COVID-19 khiến người dân “tự tin” đi du lịch trở lại. Theo đó, sau 2 năm xảy ra đại dịch, lần đầu tiên cả nước đã không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 vào ngày 3.5. Đây có thể xem là một tin vui nữa cho người dân cả nước giữa lúc dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới; qua đó, cũng là “cách” quảng bá hình ảnh Việt Nam với du khách quốc tế.
Theo thống kê của ngành du lịch, năm 2019 - năm “vượng” nhất của ngành du lịch, Việt Nam đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp 9,2% GDP cả nước. Năm 2022 này, ngành du lịch đặt mục tiêu đạt 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế… Với tín hiệu lạc quan như hiện nay, mục tiêu mà ngành du lịch đưa ra sẽ không quá xa vời.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngoài những nỗ lực của ngành du lịch trong việc làm mới các sản phẩm du lịch và triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến để thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế, điều cốt yếu là cần phải giữ được an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi, chính việc giữ vững được thành quả chống dịch như trong thời gian qua đã tạo được sự “tín nhiệm” cho người dân và du khách. Họ đã cảm thấy an toàn, tự tin hơn khi tham gia mọi hoạt động xã hội, đi du lịch...
Cùng với tiến trình mở cửa, phục hồi kinh tế của đất nước, công tác phòng, chống dịch đã được thay đổi phù hợp, vừa góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh, vừa tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân trở lại trạng thái bình thường.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã "nới lỏng" các yêu cầu về phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh; đồng thời tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27.4.2022 và sắp tới đây có thể xem xét tạm dừng thực hiện khai báo y tế nội địa… Những điều này sẽ góp phần hỗ trợ ngành du lịch sôi động trở lại và thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, cũng như cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể xảy ra, khiến diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Do vậy, dù dịch đã được kiểm soát tốt nhưng chúng ta vẫn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Theo báo Tin tức