Chị cao ráo, xinh đẹp, khỏe mạnh, tháo vát, vừa đảm việc nhà lại giỏi việc công ty nên có nhiều chàng trai theo đuổi.
Cứ tưởng chị sẽ chọn một anh chàng điển trai, không nhà mặt phố thì gia cảnh cũng khá giả, ai ngờ chị lấy một anh công nhân, làm cùng công ty. Anh hiền lành, ít nói, nhà có một mẹ một con vì bố mất sớm, các chị gái đã lập gia đình. Mẹ chị không hài lòng vì biết kinh tế nhà anh khó khăn nên chỉ buông hai tiếng: “Tùy con!”. Bố chị gật gù: “Thôi thì cái duyên cái số, miễn là các con hạnh phúc”.
Lấy chồng được năm năm, chị sinh hai đứa con, có nếp có tẻ. Chị góp công trả nợ hết cho mẹ chồng và còn sắm thêm được tủ lạnh, máy giặt, ti vi đời mới. Cứ đà này chỉ vài năm nữa là vợ chồng chị sẽ xây lại căn nhà cho đàng hoàng để các con có phòng riêng.
Ở chung với mẹ chồng, dù chị khéo léo đến đâu cũng không tránh được va chạm, giận hờn nhưng được cái mẹ chồng chị thẳng tính nên chị cũng không để bụng. Bà lại thích bế cháu, chăm cháu nên chị cũng nhàn. Thi thoảng chuyện ăn uống, sinh hoạt của bọn trẻ làm mẹ chồng nàng dâu không cùng quan điểm nhưng rồi đâu lại vào đó.
Chuyện chỉ căng thẳng khi tai họa như từ trên trời ập xuống. Chị bị tai biến mạch máu não. Lần ấy cũng do chị chủ quan, nghĩ mình bị đau đầu bình thường thôi nên xin nghỉ sớm, gọi chồng chở về nhà đánh cảm, uống thuốc như mọi bận.
Suốt đêm hôm ấy, chị không tài nào ngủ được, đau đầu đến vật vã, ngất đi. Khi anh gọi xe cấp cứu đưa chị đến bệnh viện thì bác sĩ mắng cho một trận vì tội không hiểu biết. Chị đã bị liệt nửa người, miệng méo xệch hẳn đi.
Chỉ vì vào viện chậm trễ mà phải mất nửa năm trời điều trị phục hồi chức năng thì chị mới tự mình đi lại bằng nạng gỗ. Chị không thể nào tưởng tượng được mới ngoài ba mươi tuổi mà mình đã bị tai biến như thế. Nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng, nằm yên một chỗ, hễ nhìn thấy hai đứa con vào thăm là nước mắt chị lại ứa ra. Công việc ở công ty đang tiến triển tốt thì chị phải bỏ dở.
Tiền điều trị, thuốc men tốn kém. Ban ngày bố mẹ chị thay phiên nhau chăm sóc chị còn tối đến, một mình anh gánh vác. Thi thoảng, hai chị gái của chồng thay anh được một đêm. Nhìn anh vất vả, bơ phờ, mẹ anh xót ruột, có lúc buột miệng đổ tại chị.
Chị nhắm mắt, giả vờ như không nghe thấy nhưng mẹ chị không để yên. Hai bà thông gia vùng vằng, lời qua tiếng lại. Mẹ chị giận dỗi, định để mặc chồng chị lo toan, chăm sóc vợ nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì xót con, thương con nên phải lăn xả vào. Từ đó mẹ chồng cũng hiếm khi nói lời nhẹ nhàng với chị.
Bà thường nhìn chị bằng ánh mắt khó chịu, nói lời bóng gió xa xôi, kiểu như chị là gánh nặng, cái tội cái nợ, chị làm khuynh gia bại sản, làm cả nhà mệt mỏi... Nghe những lời cay nghiệt ấy, có lúc chị vứt hết thuốc xuống gầm giường, muốn cắn lưỡi cho chết ngay nhưng nghĩ đến hai đứa con thơ dại, chị lại gồng mình lên để chống chọi. Chị phải sống, nhất định phải sống khỏe mạnh để còn lo cho các con. Chị chăm chỉ uống thuốc như chỉ dẫn của bác sĩ và tích cực luyện tập để khôi phục chức năng một nửa người bị liệt.
Lần đầu tiên tự đi được sau bao ngày tháng nằm liệt một chỗ, chị đã bật khóc vì vui sướng. Chị nhìn mình trong gương, không nhận ra chính mình nữa vì vẻ ngoài xinh đẹp, hồng hào đã thay bằng gương mặt xanh xao, hốc hác, cái miệng vẫn hơi méo. “Sống được là may rồi” - chị tự nhủ và lên kế hoạch làm việc. Bắt đầu là việc nhà, sau đó tiếp xúc trở lại với máy vi tính.
Mẹ chồng không cho chị giặt quần áo bằng máy mà phải giặt tay. Hễ chị bật máy vi tính là bà nhắc nhở “Giờ không kiếm được ra tiền thì dùng điện tiết kiệm thôi”. Lòng chị nhói lên nhưng chị cũng hiểu ra vấn đề. Chỉ vì mẹ chồng chị luôn sống trong nghèo túng và nợ nần nên mới khó tính như thế. Với chị, tiền không quan trọng bằng sức khỏe, có sức khỏe thì chị sẽ kiếm được nhiều tiền.
Hôm nay chị đã tự đi lại mà không cần nạng. Bác sĩ bảo chị còn trẻ, lại có nghị lực mạnh mẽ nên chiến thắng được bệnh tật. Chị vui vẻ thông báo cho mẹ chồng biết rằng chị đã ký được hợp đồng làm kế toán tại nhà cho hai công ty tư nhân để bà yên tâm. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm đầm ấm, lòng chị ngập tràn hy vọng.
NAM HỒNG