Ngày 10.11, Quốc hội khóa XV đã tiến hành phiên chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ. Phiên chất vấn này có thể được coi là cuộc "đại phẫu" đầu tiên về công tác phòng chống dịch.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 10.11 - Ảnh: VGP
Cho dù đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã bắt đầu lắng xuống, những vấn đề có liên quan vẫn tiếp tục làm nóng bỏng nghị trường.
Được các vị đại biểu Quốc hội chất vấn là tất cả những gì hệ trọng nhất không chỉ liên quan đến các phản ứng chính sách và trách nhiệm giải trình, mà còn đến cách thức tổ chức và vận hành hệ thống của chúng ta trong công tác phòng chống dịch. Dưới đây là một vài trong số những vấn đề như vậy.
Trước hết là năng lực dự báo và năng lực phản ứng hiệu quả đối với sự bùng phát của dịch. Phải chăng sự bị động, lúng túng của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc ứng phó với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có phần do chúng ta đã không dự báo chính xác? Và do dự báo không chính xác, chúng ta cũng khó phản ứng có hiệu quả được?
Thứ hai là chiến lược vắc xin. Nước ta tiếp cận với vắc xin chậm hơn so với nhiều nước khác. Đây có thể là một trong những nguyên nhân làm cho đợt bùng phát dịch lần thứ 4 trở nên rất nghiêm trọng. Phải chăng chúng ta đã không đề ra được một chiến lược vắc xin kịp thời và phù hợp không?
Thứ ba là sự công bằng trong việc tiếp cận vắc xin. Một số địa phương đã gần như phủ kín vắc xin cho những người từ trên 18 tuổi, bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, thậm chí đang tính đến việc tiêm mũi thứ 3 bổ sung. Trong lúc đó, nhiều địa phương vẫn chưa được cung cấp đủ vắc xin để tiêm mũi thứ nhất cho dân. Cần phân bổ vắc xin thế nào cho công bằng?
Thứ tư là năng lực của y tế cơ sở. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 cho thấy năng lực y tế cơ sở là một vấn đề rất lớn của đất nước. Phải chăng do y tế cơ sở yếu kém nên các hoạt động y tế dự phòng đã không thể được triển khai kịp thời, hiệu quả làm cho dịch bệnh bùng phát dễ dàng?
Thứ năm là giá cả xét nghiệm. Giá cả xét nghiệm có sự chênh lệnh rất lớn. Ai đang được hưởng lợi từ sự chênh lệch này? Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hiện tượng lạm dụng xét nghiệm?
Thứ sáu là sự cực đoan của một số phản ứng chính sách. Phải chăng các vấn đề kinh tế - xã hội to lớn như sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, nạn thất nghiệp, hiện tượng người dân tháo chạy về quê... có nguyên nhân từ những phản ứng chính sách cực đoan trong phòng chống dịch của một số cấp, ngành và địa phương?
Thứ bảy là sự thiếu nhất quán và thông suốt của các chính sách sống chung với COVID-19. Tại sao Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh mà vẫn có sự áp dụng không thống nhất giữa các địa phương. Một số địa phương vẫn bắt những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin vô tình trở thành F1 phải cách ly tập trung, mà không được cách ly tại nhà?...
Tại phiên chất vấn lần này đã hoàn toàn không có "vùng cấm" trong việc truy hỏi của các vị đại biểu Quốc hội. Cho dù vấn đề có nhạy cảm đến đâu, nó vẫn đã được nêu lên và đã được giải trình với Quốc hội. Giải trình với Quốc hội cũng đồng thời là giải trình với nhân dân. Bởi vì thực ra, những câu hỏi được các vị đại biểu Quốc hội nêu ra cũng chính là những câu hỏi đang được cả xã hội quan tâm. Muốn hay không những câu hỏi đó vẫn đang treo lơ lửng trong tâm tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân.
Qua phiên chất vấn, nhiều bài học kinh nghiệm đã được nhận biết, nhiều vấn đề đang được đặt ra liên quan đến phòng chống dịch và phục hồi đời sống kinh tế - xã hội cũng đã được làm rõ. Đây là nền tảng quan trọng để chúng ta vượt qua chính mình và không bao giờ cho phép "thảm họa y tế" được lặp lại một lần nữa như lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG