Những tỷ phú nông dân

13/01/2019 07:16

Năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân ở huyện Kinh Môn đã mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với sự đa dạng về các mô hình dịch vụ cũng như cây trồng, anh Đào Văn Tuyến ở khu 1, Tử Lạc, thị trấn Minh Tân thu lãi từ 500-600 triệu đồng/năm

Thu nhập ''khủng'' 

Mặc dù bên ngoài trời mưa phùn rét mướt nhưng trong trang trại nuôi gà của anh Trần Văn Mạnh ở xã Long Xuyên mọi việc vẫn diễn ra trôi chảy. Là trang trại nuôi gà lớn nhất huyện Kinh Môn, mỗi ngày anh Mạnh thu khoảng 1,5 vạn quả trứng, ngày cao điểm lên đến 1,8 vạn quả. Số trứng này anh đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định ở các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh...

Trước đây, anh Mạnh chọn nuôi lợn để khởi nghiệp, nhưng chăn nuôi lợn bấp bênh, vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao nên năm 2007 sau một thời gian tìm hiểu quy trình chăn nuôi, thị trường tiêu thụ, anh chuyển sang nuôi gà đẻ trứng. Đến nay, anh Mạnh đã có 2 trang trại nuôi gà quy mô 1,5 mẫu với 7 chuồng, nuôi gần 3 vạn con gà, trong đó có gần 2 vạn con gà đang cho khai thác trứng, còn lại là gà hậu bị. “Mặc dù vất vả nhưng chăn nuôi như vậy sẽ tận dụng được lao động, thức ăn, thuận tiện trong việc phòng chống bệnh. Khách hàng nhìn vào quy mô chăn nuôi họ cũng thấy tính chuyên nghiệp nên việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Sau khi trừ chi phí, năm vừa rồi trang trại của tôi thu lãi 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng, chưa tính chi phí ăn uống'', anh Mạnh nói.

Cũng chọn nông nghiệp để làm giàu nhưng anh Đào Văn Tuyến ở khu 1, Tử Lạc, thị trấn Minh Tân lại đi sâu vào nông nghiệp công nghệ cao. Đất đai hạn hẹp nên để nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, anh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng 700m2 nhà màng, nhà lưới trồng hoa và cây cảnh. Không lãng phí khu vườn đã đầu tư, anh tận dụng mọi không gian trong vườn trồng nhiều loại cây khác nhau. Bên dưới trồng các loại hoa cúc, ly, đồng tiền, cây cảnh các loại. Bên trên anh Tuyến treo 700 giò lan, trong đó có những loại có hiệu quả kinh tế cao như lan phi điệp, tai trâu... Theo tính toán, vườn cây cảnh của anh Tuyến đạt giá trị trên 3 tỷ đồng. Anh Tuyến cho biết: "Từ khi đầu tư nhà màng, nhà lưới, hiệu quả cây trồng tăng lên đáng kể. Tôi chỉ cần tưới nước cho giàn lan bên trên là cây bên dưới cũng được tưới. Tưới theo cách này nước không bị bốc hơi nên 1 tuần mới phải tưới 1 lần. Trồng trong nhà nên cây trồng ít bị sâu bệnh, không tốn tiền mua thuốc sâu và công chăm sóc". Không chỉ trồng hoa và cây cảnh, tận dụng diện tích mặt tiền, gia đình anh Tuyến còn bán thêm hàng tạp hóa và làm vòng hoa. Với mô hình đa dạng như vậy, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Tuyến thu về từ 500 - 600 triệu đồng.

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Kinh Môn, năm 2018 trên địa bàn huyện có 3.811 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 11 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh danh giỏi cấp Trung ương. Toàn huyện có 900 hộ thu lãi từ 500 triệu - 1 tỷ đồng và 200 hộ thu lãi trên 1 tỷ đồng từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ.

Tạo động lực làm giàu

Mô hình nuôi gà đẻ trứng của anh Trần Văn Mạnh ở xã Long Xuyên cho thu lãi 1 tỷ đồng/năm

Ông Bùi Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kinh Môn khẳng định: "Bên cạnh sự năng động, dám nghĩ, dám làm thì phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là một cú hích, tạo thêm động lực để người dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tại nhiều địa phương trong huyện việc triển khai phong trào diễn ra sôi động, được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, từ đó đã tạo ra cho Kinh Môn nhiều tỷ phú nông dân".

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo ra một cuộc thi đua sôi động trong nông dân Kinh Môn. Ở hầu khắp các địa phương, nông dân đều tích cực tìm tòi những mô hình mới để đầu tư xây dựng và mang lại những hiệu quả kinh tế cao. Là hội viên nông dân, thường xuyên được tham gia tập huấn, nâng cao kiến thức nên anh Nguyễn Văn Thuấn ở xã Bạch Đằng đã tìm được hướng đi cho riêng mình. Cũng là cây thanh long, cây dưa nhưng thay vì phương pháp trồng truyền thống, anh chọn phương pháp canh tác hữu cơ, tạo ra những sản phẩm sạch, sản phẩm trái vụ. Anh Thuấn cho biết: "Từ khi tìm ra mô hình sản xuất mới, sản phẩm làm ra được ưa chuộng, có thị trường tiêu thụ ổn định, không bấp bênh như trước. Không chỉ làm giàu cho mình, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm trồng cây, thị trường tiêu thụ với những hội viên khác bằng việc đứng ra thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Bạch Đằng thu hút 29 hội viên tham gia".

Cùng với việc tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua, huyện Kinh Môn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thuê đất xây dựng trang trại. Trong quá trình dồn điền, đổi thửa, các địa phương đều chuyển đổi diện tích cấy lúa bấp bênh sang đào ao, nuôi thủy sản và tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục cho người dân chuyển đổi. Các tổ chức tín dụng cũng tạo thuận lợi để người dân vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, những năm qua huyện Kinh Môn đã đầu tư nguồn kinh phí lớn cho sản xuất nông nghiệp bằng việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ xây dựng nhà màng, nhà lưới, hỗ trợ làm đường ra đồng, xây dựng hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện tích cực khuyến khích các cá nhân, đơn vị tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại nhằm quảng bá nông sản của huyện.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tỷ phú nông dân