Ăn chay không đúng cách có thể khiến bạn thiếu hụt protein hay ăn nhiều rau chưa chắc chữa được bệnh táo bón.
Có những thói quen ăn uống được mặc định là đúng nhưng bạn không nên áp dụng một cách thái quá để tránh làm hại tới sức khỏe:
1. Ăn chay lành mạnh hơn ăn thịt?
Nhiều người lo lắng rằng ăn thịt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tim mạch. Do vậy, số người lựa chọn ăn chay ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ăn chay trong một thời gian dài có thể gây thiếu hụt protein, dẫn đến hiện tượng rối loạn chuyển hóa và giảm khả năng miễn dịch.
Bởi vậy, người ăn chay hãy cố gắng chọn nhiều thực phẩm giàu protein thực vật như đậu, lúa mì và các loại hạt.
2. Ăn nhiều rau có thể chữa táo bón?
Ăn nhiều rau có thể giúp bạn hết táo bón nếu nguyên nhân là do thiếu chất xơ.
Tuy nhiên, có nhiều lý do khác dẫn tới táo bón. Ở hầu hết người cao tuổi, tình trạng này thường liên quan đến sự suy giảm số lượng vi khuẩn đường ruột, bệnh ở phần hông hoặc hậu môn, tác dụng phụ của một số loại thuốc. Trong những trường hợp đó, ăn nhiều rau không có tác dụng cải thiện táo bón.
Bởi vậy, nếu bạn ăn một lượng lớn thực phẩm chứa nhiều chất xơ và có chế độ ăn kiêng thiếu khoa học sẽ làm tăng gánh nặng tiêu hóa, đặc biệt là đối với những người có chức năng tiêu hóa kém.
3. Thực phẩm A và thực phẩm B không thể ăn cùng nhau?
Mọi người thường hay nghe những câu như: "ăn cua cùng trái hồng sẽ bị kết sỏi trong cơ thể", "rau bina kết hợp đậu phụ sẽ gây khó tiêu"...
Nhưng nhiều chuyên gia dinh dưỡng nói rằng không có cơ sở khoa học nào cho những quan niệm này. Một số người gặp cảm giác khó chịu sau khi ăn những thực phẩm “khắc nhau”, thực chất chủ yếu là do đồ không đảm bảo vệ sinh, dị ứng thực phẩm.
4. Tì vị yếu không thể ăn cay?
Có nên ăn cay hay không thực tế phụ thuộc vào thể lực. Vị cay mang tính nóng, có tác dụng thải khử độ ẩm khỏi cơ thể. Đối với những người ăn không ngon miệng, thực phẩm cay với lượng vừa phải có thể đánh thức vị giác.
Do đó, những thực phẩm cay như hành, gừng, tỏi nếu ăn đúng cách sẽ đem lại hiệu quả tốt trong việc điều trị chứng đau dạ dày do nhiễm hàn. Nhưng đối với những người bị loét dạ dày, hãy sử dụng ít hơn.
5. Đa dạng hóa dầu ăn là dùng các loại dầu có tên gọi khác nhau?
Các chuyên gia dinh dưỡng thường nhấn mạnh sự đa dạng hóa trong việc dùng dầu ăn. Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng tháng này ăn dầu đậu nành, tháng sau nên chuyển qua dầu hướng dương hoặc dầu hạt cải…
Tuy nhiên, từ “đa dạng” đề cập đến việc thay đổi dầu theo cấu trúc axit béo. Các loại dầu có cấu trúc axit béo tương tự nhau được phân loại theo các nhóm dưới đây:
- Nhóm 1: Dầu đậu nành, dầu ngô, dầu hướng dương
- Nhóm 2: Dầu đậu phộng và dầu gạo
- Nhóm 3: Dầu hạnh nhân, dầu ô liu, dầu hạt trà
- Nhóm 4: Dầu hạt lanh và dầu hạt tía tô
6. Xào rau ở nhiệt độ thấp sẽ ít bị thất thoát chất dinh dưỡng?
Nhiều người cho rằng vitamin “sợ” nhiệt độ cao, nếu xào rau ở nhiệt độ thấp sẽ ít làm thất thoát chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, các thí nghiệm đã chỉ ra rằng nếu xào rau trên lửa lớn trong thời gian ngắn thì chỉ mất 17% lượng vitamin C. Nếu sau khi xào nấu lại đem om rim, thực phẩm sẽ mất đến 59% lượng vitamin C.
Do đó, bạn nên xào rau ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn, có thể thêm chút giấm sẽ giúp ích cho việc bảo quản vitamin có trong rau.
Theo Vietnamnet