Hải Dương đã và đang có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù. Nhưng việc duy trì và phát huy đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.
Tiết mục múa bỏ bộ do các ca nương, kép đàn ở các câu lạc bộ hát ca trù Ngọc Châu (TP Hải Dương), Nam Sách, Cẩm Giàng và Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn
Nhiều biện pháp bảo vệ
Năm 2009, Hải Dương là 1 trong 15 tỉnh, thành phố có không gian hát ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh đã ban hành chương trình hành động bảo tồn di sản ca trù giai đoạn 2010 - 2020. Trong đó đề ra nhiều biện pháp như tăng cường tuyên truyền; tập trung điều tra, kiểm kê hệ thống tư liệu về ca trù. Ban hành chính sách đãi ngộ đối với người dân có tài năng xuất sắc, có công bảo vệ, phát huy di sản ca trù và các chính sách khác nhằm tạo điều kiện khuyến khích, bảo tồn di sản này cho thế hệ sau. Tổ chức xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cho các cá nhân có tài năng, đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù. Xây dựng các chương trình giáo dục thích hợp để truyền dạy hát ca trù trong các trường chuyên nghiệp và phổ thông, tiểu học. Tăng cường nguồn đầu tư của Nhà nước, đi đôi với các nguồn lực xã hội góp phần bảo vệ di sản ca trù...
Thực hiện chương trình hành động trên, từ năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 5 câu lạc bộ (CLB) ca trù trong tỉnh với mức 5 triệu đồng/CLB/năm. Đồng thời hằng năm hỗ trợ các nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu, có công đào tạo lớp người kế cận (mỗi nghệ nhân 1 triệu đồng/tháng). Năm 2015, toàn tỉnh có 4 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực hát ca trù. Đợt 2 năm 2018, Hải Dương lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phú Đẹ thuộc CLB Ca trù xã Dân Chủ (Tứ Kỳ). Sở cũng thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho các CLB ca trù trong tỉnh; tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc...
Hải Dương hiện có 87 người từ 12-95 tuổi đang tham gia hoạt động đàn, hát ca trù, tăng 7 người so với đầu năm. Họ đang sinh hoạt ở 6 CLB ca trù: phường Ngọc Châu (TP Hải Dương), xã Dân Chủ (Tứ Kỳ), Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang, Trung tâm Văn hóa tỉnh. CLB Ca trù huyện Nam Sách có đông thành viên nhất với 22 người. Những CLB này duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tuần hoặc hằng tháng. Ngoài các CLB, một số cá nhân hoạt động tự do yêu thích nghệ thuật ca trù ở 2 huyện Ninh Giang, Thanh Hà cũng tự nguyện tham gia lớp tập huấn nâng cao kỹ năng hát ca trù do tỉnh tổ chức. Đoàn nghệ nhân ca trù Hải Dương tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 đoạt giải B toàn đoàn, 1 giải A và 1 giải xuất sắc cá nhân.
Chưa bền vững
CLB Ca trù huyện Nam Sách thành lập năm 2004. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm CLB phát triển thêm được 3 thành viên. Theo ông Nguyễn Văn Đường, Chủ nhiệm CLB Ca trù huyện Nam Sách, mặc dù số lượng hội viên tăng nhưng chưa bền vững, 9 thành viên mà CLB kết nạp được trong 3 năm qua đều là con cháu của các hội viên. Việc phát triển hội viên mới bên ngoài không dễ vì người dân không mặn mà với ca trù. CLB vẫn duy trì hoạt động định kỳ vào thứ bảy hoặc chủ nhật của tuần cuối cùng trong tháng nhưng ít hội viên tham dự do bận đi học, đi làm công ty hoặc phải trông cháu ở tỉnh ngoài... Cũng theo ông Đường, việc duy trì các CLB ca trù hiện chủ yếu mang tính chất là gìn giữ, còn phát huy rất khó do người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ khó thẩm thấu loại hình nghệ thuật này. "Ở địa phương tôi, các chương trình văn nghệ thường rất ít tiết mục ca trù, chủ yếu là hát chèo, ngâm thơ, hát mới", ông Đường chia sẻ.
Số lượng thành viên được kết nạp mới ở các CLB ca trù khá khiêm tốn, trong khi hao hụt hội viên lại tỷ lệ nghịch. Bên cạnh đó, việc ca trù thiếu đất diễn cũng là một trong những vấn đề đáng được quan tâm. CLB Ca trù xã Dân Chủ có 2 hội viên đã qua đời, 8 hội viên bỏ sinh hoạt vì đi lấy chồng, làm ăn xa... CLB hiện chỉ còn 18 hội viên, trong đó 2 nghệ nhân giàu kinh nghiệm đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Số hội viên còn lại đa phần là trẻ tuổi, chất lượng, kỹ năng còn hạn chế.
Năm nay đã 85 tuổi, điều mà ông Trương Quang Hiến, Chủ nhiệm CLB Ca trù xã Dân Chủ băn khoăn nhất đó là ca trù đang rất bí đất diễn để có thể phát huy. "Ở Hải Phòng, Hà Nội có một số ca quán mà nhiều khách nước ngoài và những người thích nghe hát ca trù thường hay lui tới. Các CLB ca trù cũng vì thế có thêm động lực hoạt động. Còn ở tỉnh ta, sân chơi dành cho các CLB ca trù rất khiêm tốn. Ngay cả những chương trình văn nghệ nhỏ ở địa phương cũng hiếm khi có tiết mục ca trù thì loại hình này rất khó phát huy", ông Hiến nói.
Thực trạng công chúng chưa thực sự quan tâm đến loại hình nghệ thuật truyền thống ca trù cũng là một trở ngại không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy. Tuy được tỉnh đầu tư, khuyến khích tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn nhưng mức hỗ trợ còn hạn chế.
BÌNH MINH