Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trang trại của gia đình anh Phạm Văn Hùng vẫn đứng vững trong "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi.
Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trang trại của gia đình anh Phạm Văn Hùng sớm được khôi phục và tạo nguồn thu nhập lớn
Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trang trại của gia đình anh Phạm Văn Hùng ở xã Thăng Long (Kinh Môn) vẫn đứng vững trong "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi và trở thành một điển hình về chăn nuôi của địa phương.
Năng động
Ngay sau khi học xong THPT, xác định gia đình khó khăn, không có điều kiện tiếp tục học cao hơn nên anh Hùng quyết định thi vào Khoa Chăn nuôi thú y của Trường Trung cấp nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương.
Sau khi ra trường, nhận thấy việc phát triển kinh tế theo hướng trang trại sẽ phù hợp với ngành nghề được học và thỏa nguyện chí làm giàu, anh Hùng quyết tâm đầu tư vào chăn nuôi. Do không có vốn và mặt bằng nên anh Hùng đã thuê chuồng của các hộ trong xã để chăn nuôi lợn. Có thời điểm anh thuê chuồng của 7 hộ, nuôi 40-50 con lợn/hộ. Anh Hùng mua con giống, thức ăn, chủ động thực hiện các biện pháp kỹ thuật, thuê chủ hộ chăm sóc đàn lợn.
Mặc dù hình thức nuôi này nhàn nhã, có lợi nhuận nhưng anh Hùng nhận thấy một số bất cập là khó mở rộng quy mô. Năm 2010, anh quyết định chuyển hướng sang xây dựng trang trại chuyên nuôi lợn. Sau nhiều ngày đi tìm, anh Hùng đã lựa chọn được khu đất ở xã Thăng Long làm trang trại. Đây là khu triều trũng, cấy lúa bấp bênh, một số người dân đã bỏ hoang ruộng nên khi anh đặt vấn đề, UBND xã Thăng Long đã tạo điều kiện cho anh thuê đất.
Lúc mới làm, trong tay chỉ có 170 triệu đồng, anh vay thêm hàng tỷ đồng từ ngân hàng và bạn bè để trồng cây, xây chuồng trại, mua con giống... Gắn bó với nuôi lợn thịt thêm vài năm nữa, anh nhận thấy phát triển theo hướng này ngày càng khó khăn, trong khi nhu cầu về lợn giống rất lớn nên anh đã chuyển sang nuôi lợn nái để cung cấp con giống cho người chăn nuôi. Trải qua nhiều lần chuyển đổi, mở rộng, đến năm 2018, trang trại của gia đình anh Hùng đã rộng 4,5 mẫu với 2 dãy chuồng nuôi trên 300 con lợn nái ngoại.
Vượt qua đại dịch
"Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình tôi phải tiêu hủy 1 chuồng với 150 con lợn nái ngoại, nhưng vẫn giữ được 150 con. So với nhiều trang trại khác, tôi thấy may mắn hơn", anh Hùng cho biết.
Nếu so với nhiều trang trại lợn bị xóa sổ hoàn toàn thì việc giữ được 50% số đàn lợn nái được là một thành công. Anh Hùng bố trí các khu trại khoa học và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Do đất rộng nên anh Hùng đã xây 2 dãy chuồng cách xa nhau để phòng dịch bệnh lây lan. Ngay cổng vào trang trại, anh bố trí hệ thống máy phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Lợn trước khi xuất chuồng được đưa ra một chuồng nuôi nhốt riêng, gần cổng trại. Quy trình chăm sóc lợn được anh Hùng thực hiện nghiêm ngặt hơn cả. Lợn giống mới mua về được cách ly 10 ngày, sau đó mới cho vào chuồng nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine...
Sau khi dịch tả lợn châu Phi đi qua, nhận thấy nhu cầu về con giống rất lớn nên anh Hùng nhập ngay 100 con lợn giống. Đến nay, đàn lợn nái đã cho khai thác ổn định. Trước đây, khi chưa có dịch, mỗi tháng gia đình anh Hùng xuất bán từ 700-800 con lợn giống với giá 1,2 triệu đồng/con thì nay bán từ 400-500 con với giá 3,5 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hùng lãi khoảng 2,4 triệu đồng/con lợn giống. "Lúc quyết định đầu tư khôi phục lại chăn nuôi tôi cũng lo lắm bởi không biết dịch tả lợn châu Phi có quay lại hay không. Nhờ áp dụng chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật nên đến nay, trang trại của gia đình tôi an toàn", anh Hùng cho biết.
Sau hơn 20 năm gắn bó với chăn nuôi, anh Hùng rút ra kinh nghiệm làm việc gì cũng phải tâm huyết mới mang lại kết quả cao. Anh đã được nhận nhiều giấy khen của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thị xã Kinh Môn trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Vừa qua, anh Hùng được Chủ tịch UBND thị xã tặng giấy khen do có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
THANH HÀ