Bán hàng online đang ngày càng phổ biến, đặc biệt vào thời điểm hiện nay, xã hội đang phải cách ly để phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, những quy định pháp luật về bán hàng online lại chưa được nhiều người quan tâm.
Sau đây là một số quy định pháp luật mà người kinh doanh online cần nắm rõ, tránh bị xử phạt làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh.
Trách nhiệm pháp luật
Theo khoản 1, Điều 3 Nghị định 39 năm 2007 của Chính phủ: cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại như: Mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; bán quà bánh, đồ ăn, nước uống; Các hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác;...
Điều 13, Thông tư 47/2014 quy định: Đối tượng là thương nhân thành lập website thương mại điện tử mà trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ: Sàn giao dịch thương mại điện tử; khuyến mại trực tuyến; đấu giá trực tuyến phải đăng ký với Bộ Công thương.
Bán hàng online là hình thức kinh doanh đang ngày càng phổ biến
Như vậy, chỉ những người thành lập các website thương mại điện tử mới phải đăng ký, còn những người bán hàng online đơn thuần trên các website hoặc trên ứng dụng di động như facebook, shopee, instagram… sẽ không phải thực hiện thủ tục này.
Mặc dù không phải đăng ký kinh doanh nhưng người bán hàng online phải có trách nhiệm cụ thể theo Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:
Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ như giá cả, phương thức vận chuyển, giao nhận và thanh toán;
Bảo đảm tính chính xác, trung thực của thông tin hàng hóa, dịch vụ;
Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
Tuân thủ quy định về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Nghĩa vụ thuế khi bán hàng online
Theo Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC, người nộp thuế giá trị gia tăng là cá nhân cư trú, bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, ngoại trừ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
Như vậy, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng nếu có doanh thu từ bán hàng online lớn hơn 100 triệu đồng/năm.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán.
Tương tự như thuế giá trị gia tăng, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ bán hàng online lớn hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, lệ phí môn bài áp dụng với hoạt động kinh doanh của cá nhân, hộ gia đình gồm cả hoạt động bán hàng online được xác định từ doanh thu bán hàng:
Doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài phải nộp là 300.000 đồng/năm; doanh thu trên 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài phải nộp là 500.000 đồng/năm; doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài phải nộp là 1 triệu đồng/năm.
Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 39 năm 2014 của Bộ Tài chính, khi bán hàng, người bán phải lập hóa đơn và giao cho người mua, trừ trường hợp bán hàng có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng.
Theo Giáo dục và Thời đại