Để chặn đứng vấn nạn này từ gốc, ngoài những chính sách tăng lương, cải thiện đời sống cán bộ, công chức, cần phải có quy định gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đối thoại với doanh nghiệp ngày 23.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Tôi nhận được nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải kiểm soát việc này. Phải chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền hù dọa doanh nghiệp và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp".
Vấn nạn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân đã được phản ánh nhiều, song liệu có được "nhắn tin" đầy đủ đến Thủ tướng?
Thực tế, doanh nghiệp, người dân may mắn có số điện thoại để nhắn tin "than" với Thủ tướng chỉ là số nhỏ trong những trường hợp chịu muôn vàn khổ ải của một bộ phận "đầy tớ" ở cơ quan công quyền.
Họ hoặc ngậm ngùi chịu đựng, hoặc chọn kênh gửi đơn khiếu nại, kêu than đến cơ quan chức năng, báo chí, thậm chí bỏ cuộc, chịu mất cơ hội đầu tư, làm ăn.
Vấn nạn nhũng nhiễu không mới nhưng lần này được chính Thủ tướng gọi tên thẳng và chỉ đạo dẹp bỏ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao vấn nạn nhũng nhiễu tồn tại đã lâu nhưng chưa dẹp được, nó vẫn tồn tại thành một tệ nạn làm hư hỏng các nhân viên thi hành công vụ và gây mất niềm tin của doanh nghiệp, của người dân vào bộ máy hành chính?
Chính việc thực thi luật pháp và sự lỏng lẻo trong quản lý bộ máy đã dẫn đến tình trạng "nhờn" quy định, thậm chí nhiều trường hợp cứ "nhơn nhơn" cho đến khi người dân tố cáo, báo chí phát hiện và cơ quan luật pháp vào cuộc.
Thủ tướng đã chỉ đạo "chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền hù dọa doanh nghiệp và loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà". Tuy nhiên, để dẹp vấn nạn "hành dân" mà chỉ trông chờ vào sự thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức e rất khó khả thi.
Nghiêm khắc loại bỏ cán bộ, công chức nhũng nhiễu, hành dân là đương nhiên. Nhưng để chặn đứng vấn nạn này từ gốc, ngoài những chính sách tăng lương, cải thiện đời sống cán bộ, công chức, cần phải có quy định gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Trách nhiệm đó được cụ thể bằng những tiêu chí, chỉ tiêu để bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bình bầu kết quả công tác của cán bộ, công chức đó.
Công khai, minh bạch những tiêu chí, chỉ tiêu đó cho dân giám sát cũng là cách để người dân "vạch mặt" cán bộ, công chức chuyên hành dân.
Một thực tế nữa là lâu nay ít thấy người đứng đầu các cơ quan, đơn vị công khai chịu trách nhiệm khi cấp dưới nhũng nhiễu, gây khó dễ cho dân. Không lẽ cấp dưới nhũng nhiễu cấp trên không biết?
Trách nhiệm của những người đứng đầu ở đâu? Dư luận hoàn toàn có thể đặt vấn đề có hay không việc thông đồng trên - dưới để gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Về kỷ luật hành chính, khi một người nhận nhiệm vụ đứng đầu một cơ quan thì không thể nào để tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân kéo dài mà người đó không chịu trách nhiệm gì.
Khi đó, nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ, trì hoãn ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; hồ sơ tồn đọng nhiều; cấp dưới nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp, người dân... thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất, bị mất chức, thậm chí đối mặt với luật pháp.
TIẾN LONG