Phần thưởng lớn nhất đối với họ là được đồng bào ở các nơi khó khăn phấn khởi đón nhận và sử dụng quà tặng một cách hiệu quả...
Những người làm từ thiện sắp xếp quần áo chuẩn bị lên đường trợ giúp đồng bào ở tỉnh Lai Châu
Tại TP Hải Dương có một cơ sở làm từ thiện ở số 15 đường Hồng Quang được nhiều người biết tới. Bắt đầu từ một số người chuyền tay nhau những tờ giấy nhỏ thông báo có cơ sở làm từ thiện với địa chỉ cụ thể, sẵn sàng nhận những sản phẩm từ thiện, nhiều người đã gửi đồ đến đây. Người có ít đồ và có điều kiện thì tự đem đến. Ai có nhiều đồ và không có điều kiện chuyên chở, chỉ cần báo địa chỉ sẽ có người đến nhận đem về. Đồ tập kết về nhiều đến nỗi người tổ chức làm từ thiện - thày Nguyễn Anh Tuấn phải mượn thêm mấy phòng rộng ở gác trên tòa nhà mới chứa hết được.
Thỉnh thoảng có yêu cầu từ thiện, khi từ Sơn La, Lai Châu, khi từ Bắc Kạn, Cao Bằng... thì lập tức thầy Tuấn lại gọi học trò đến mở các bao quần áo, sắp xếp theo từng loại. Học trò thầy là học sinh của lớp học "Thuốc Nam ở đền Bia" do thầy tổ chức và cũng dạy miễn phí. Sau đó, có các xe tải đến chở các bao quần áo, các thùng mỳ tôm, đôi khi cả vài chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật đến những vùng cần trợ giúp.
Một lần đồ từ thiện được chở về liên kết với trung tâm từ thiện ở đội 5, thôn Giữa, xã Cổ Dũng (Kim Thành) do cô Nguyễn Thị Thắm chủ trì. Hàng tập kết về đây xếp cao như núi, hàng chục người ra kiểm kê, phân loại quần áo dành cho trẻ em, người lớn, nam và nữ. Cái nào sứt chỉ thì may lại, cái nào chưa sạch được đem giặt. Hai ba chục người từ 50 - 70 tuổi say sưa làm việc như một phân xưởng may mặc. Ngoài quần áo còn có cả chăn hoàn toàn mới, nhiều thùng nước tinh khiết và các bao muối ăn. Một vài bao quần áo gửi từ miền Nam ra. Đặc biệt, có cả chồng sách kinh Phật kèm theo áo quần do nhiều nhà chùa ở trong tỉnh quyên góp. Mỗi năm từ đây chở đi khoảng 20 - 30 chuyến xe tải từ 6 - 8 tấn tới vài chục địa điểm miền núi khác nhau, chủ yếu ở Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn... Xe chở đi cũng được các doanh nghiệp trong vùng hỗ trợ.
Không có ngành dọc nào quản lý công việc từ thiện này nên cơ sở ở đây đã làm nhiều năm mà không có bằng khen hay giấy khen, chỉ có ảnh lưu niệm chụp đoàn làm từ thiện chuẩn bị xuất phát đến nơi được trợ giúp. Truyền thống của việc làm từ thiện từ xưa đến nay vốn thế. Cái phần thưởng lớn nhất đối với họ là được đồng bào ở các nơi khó khăn phấn khởi đón nhận và sử dụng quà tặng một cách hiệu quả, khắc phục được phần nào những tai họa do thiên nhiên gây ra.
NGUYỄN VĂN KHANG