Người phụ trách nhân sự của một nhà máy điện tử quy mô 6.000 công nhân nói với tôi, anh “đang đi giữa hai làn đạn” bởi hàng trăm lao động chỉ muốn làm thời vụ, không chịu tham gia bảo hiểm xã hội, trong khi cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra.
Cuối tuần trước, anh nhận được thông tin sắp có đoàn thanh tra liên ngành, tra soát thông tin thu nhập của lao động được khai báo đóng thuế với dữ liệu tham gia bảo hiểm xã hội. Lao động nhận từ đủ một tháng lương sẽ bị truy thu bảo hiểm xã hội kèm lãi chậm đóng. Có người "lọt sổ", tức công ty cố tình trốn đóng, tùy mức độ có thể chịu thêm các hình thức xử phạt khác.
Hơn tháng nữa mới đến thời điểm kiểm tra, vẫn còn thời gian làm đẹp hồ sơ nhân sự, anh gọi tất cả công nhân đang làm thời vụ lên để thương lượng ký hợp đồng lao động, khai báo đóng bảo hiểm xã hội. Hầu hết từ chối. Số khác cho biết nếu công ty quyết ký hợp đồng chính thức, họ sẽ nghỉ việc.
Công nhân muốn làm thời vụ, hưởng trợ cấp thất nghiệp, đợi đủ 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội để nhận trợ cấp một lần. Ký hợp đồng chính thức sẽ khiến kế hoạch của họ bị phá hỏng, mất trợ cấp thất nghiệp, mất luôn thời gian chờ đủ năm.
Tình thế buộc anh phải cho lao động nghỉ để tránh rủi ro pháp lý song nhà máy sẽ thiếu nhân lực, ảnh hưởng tiến độ đơn hàng. "Chắc cái ghế của tôi cũng chẳng còn", anh nhăn nhó.
Người phụ trách nhân sự này không phải trường hợp cá biệt đang chịu đựng những bất cập khi thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Đây là một công cụ quản trị thị trường lao động, với mục tiêu hỗ trợ lao động, bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Nguồn quỹ được hình thành từ sự đóng góp của người lao động, chủ doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước và một số nguồn hợp pháp khác.
Theo quy định, cùng với khoản hỗ trợ học nghề, lao động sẽ được trợ cấp với tỷ lệ 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Chế độ này sẽ bị cắt khi lao động có việc, được xác định bằng việc phát sinh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp lên đến 12 tháng bằng đúng thời gian không tham gia bảo hiểm xã hội để nhận trợ cấp một lần.
Khi áp dụng quy định chờ 12 tháng, nhà làm luật tin rằng kéo dài thời gian sẽ khiến lao động nản lòng bởi không ai chịu cảnh thất nghiệp, không thu nhập lâu dài chỉ để rút bảo hiểm.
Thực tế ngược lại. Trong lúc chờ trợ cấp một lần, người "thất nghiệp" vừa nhận bảo hiểm thất nghiệp, vừa đi làm để kiếm tiền. Họ lách bằng hợp đồng thời vụ, vì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đồng thuận để né chi phí đóng quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Doanh nghiệp chỉ sốt sắng chấn chỉnh khi hay tin có thanh tra.
Tình trạng này đang gây bất ổn cho thị trường lao động, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách, khi tạo điều kiện thuận lợi cho lao động rời bỏ bảo hiểm xã hội, thúc đẩy nhận trợ cấp một lần. Hệ lụy lâu dài là thêm gánh nặng cho hệ thống an sinh. Cơ quan chức năng không quản lý được người thất nghiệp, số lượng việc làm trên thị trường để có dữ liệu đầu vào chính xác khi hoạch định chính sách...
Năm 2023, trong báo cáo tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện luật, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%.
Bộ xác nhận vẫn còn tình trạng người lao động chưa tuân thủ quy định pháp luật, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, phổ biến là tình trạng vừa có việc làm mới vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không tự động khai báo. Tính từ 2021 tới cuối tháng 5/2023, số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai còn phải thu hồi lên tới hơn 25 tỷ đồng.
Nguyên nhân dễ thấy là lao động và doanh nghiệp kết hợp "lách" luật. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn thì chính sách đã tạo ra những kẽ hở cũng như các điểm nghẽn thực thi.
Cụ thể, các trung tâm dịch vụ việc làm không quản lý được tình trạng việc làm thực sự của người hưởng trợ cấp thất nghiệp, do chỉ dựa vào khai báo của người lao động và dữ liệu tham gia bảo hiểm xã hội.
Với dự thảo Luật Việc làm đang lấy ý kiến sửa đổi, tôi cho rằng cần bổ sung các quy định về quản lý người thất nghiệp cũng như số lượng việc làm ở các doanh nghiệp. Để làm được điều này, ngành lao động phải bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống dữ liệu việc làm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp nên được cấp tài khoản để cập nhật các vị trí việc làm cần tuyển mới lên hệ thống.
Từ dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng và trình độ, kỹ năng của người thất nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ kết nối, giới thiệu những công ty phù hợp để lao động ứng tuyển. Kết quả tuyển dụng được cập nhật trở lại hệ thống sau đó - tạo thêm một căn cứ để giải quyết trợ cấp cho người thực sự thất nghiệp.
Từ dữ liệu trả về, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ đánh giá lại lý do doanh nghiệp từ chối để tổ chức đào tạo nghề, kỹ năng mới cho lao động, giúp họ trở lại thị trường khi hết thời gian hưởng trợ cấp.
Lâu nay, người lao động vẫn than phiền mức trợ cấp thất nghiệp thấp và đề nghị nâng lên tương đương 100% mức lương bình quân 6 tháng liền kề. Nhưng nếu trả mức trợ cấp cao trong khi không quản lý được tình trạng thất nghiệp, người lao động sẽ có nhiều động cơ lách luật hơn.
Thay đổi cách vận hành, đưa khoản trợ cấp thất nghiệp đến đúng người không có việc làm, số người hưởng sẽ ít lại, thì đề xuất nâng mức hưởng rất cần được tính đến. Làm được như vậy, chính sách sẽ thực sự nâng đỡ thị trường lao động chứ không phải gây ra những bất ổn như hiện nay.
LÊ TUYẾT/VnExpress