Không chỉ là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa, nghệ thuật độc đáo, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) còn có những ngôi nhà cổ được xây dựng từ hơn trăm năm nay, tất cả đều ở thôn Thạch Lỗi.
Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Tuấn Biền
Di sản quý
Hơn 100 năm nay, ngôi nhà cổ của gia đình ông Vũ Thạch Cảnh vẫn vững chãi. Nằm sau khoảng sân gạch, ngôi nhà khá bề thế với 5 gian, mái ngói nhuốm đầy phong sương. Ngôi nhà được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, đã có số ít chi tiết hư hỏng nên được thay bằng gỗ xoan. Nhà có kết cấu khung vì kiểu kẻ chuyền - giá chiêng, rộng khoảng 70 m2 gồm 5 gian bít đốc, bổ trụ. Ba gian giữa liền nhau, hai đầu hồi ngăn cách bởi ván bưng tạo thành 2 buồng riêng biệt. Mặt trước nhà là hệ thống cửa bức bàn, chân quay kết hợp hệ thống ngưỡng chồng 3 lớp. Cột được kê trên các chân đá tảng vuông. Hai đầu nhà đắp trụ lồng đèn vuông. Giá trị của ngôi nhà còn nằm ở những hình khối, họa tiết trang trí lá lật, tản vân, lão cúc, cúc mãn khai... thể hiện tài năng người nghệ sĩ dân gian. Những hoa văn, điêu khắc gỗ trong nhà được nghệ nhân xưa thể hiện bằng kỹ thuật chạm kênh bong và chạm lộng. Trong đó kỹ thuật chạm lộng là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ dân tộc, tạo độ mềm mại mà không mất đi tính vững chắc của kết cấu. Gian chính ngôi nhà treo bức đại tự với dòng chữ "Khánh trạch trường", hai bên gian chính là đôi câu đối, mỗi gian bên treo một bức cuốn thư, tất cả đều được truyền lại từ thời ông cha ông Cảnh.
Cách nhà ông Cảnh chỉ vài trăm mét là ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Tuấn Biền. Ngôi nhà bề thế cũng có 5 gian, rộng khoảng 80 m2, bằng gỗ lim, trước mặt là sân gạch đỏ và vườn cây nhãn, bưởi, mít, xoài xanh mát. Ngôi nhà có kết cấu khung vì kiểu chồng rường, liên kết giữa các chi tiết là đấu sen; được trang trí chủ yếu là hoa văn lá lật. Hệ thống cột trong nhà gồm 30 cột cái, cột quân. Ngôi nhà được lợp ngói lót chữ "thọ" với mong ước vững chãi, trường tồn với thời gian.
Cả hai ngôi nhà trên đều được chủ nhà gìn giữ tương đối nguyên vẹn. Tại thôn Thạch Lỗi vẫn còn 3 ngôi nhà cổ đã được dựng cách đây khoảng 100 năm nhưng ít nhiều bị hư hại do ảnh hưởng của thời gian, không giữ được kiến trúc và kết cấu, chất liệu nguyên bản.
Những đường nét chạm trổ tinh xảo tại ngôi nhà của gia đình ông Vũ Thạch Cảnh
Trải bao thăng trầm
Ngôi nhà của gia đình ông Biền được ông nội ông mua năm 1960 từ một người có tên Nguyễn Bá Lộc khi họ đi khai hoang ở Thái Nguyên. Ông Lộc không xây ngôi nhà này mà được thừa kế từ bố ông, không ai rõ xây từ khi nào. Ngày ấy ông nội ông Biền mua ngôi nhà với giá tương đương mấy trăm thúng thóc và phải trả mấy lần mới hết. Thời kỳ này, Thạch Lỗi là vùng đất "chiêm khê, mùa thối", sản xuất nông nghiệp lạc hậu, mất mùa liên tiếp nên đã có hàng trăm người bỏ làng đi khai hoang. Cụ Nguyễn Thị Mũn (81 tuổi, mẹ ông Biền) nhớ lại: "Ngày ấy nhiều người cười gia đình tôi sao không để lại thóc mà ăn. Có lúc đói kém tưởng cả nhà phải bỏ làng đi, may sau này cần kiệm, "thắt lưng buộc bụng", gia đình tôi vẫn trụ lại đến nay và giữ được ngôi nhà cổ này".
Ông Cảnh là đời thứ 5 trông nom ngôi nhà do ông cha mình xây dựng. Giai đoạn cải cách, ngôi nhà bề thế này đã suýt bị phá hủy vì nhiều người cho là nhà của quan lại thời trước. Tuy nhiên người xây ngôi nhà và nhiều con cháu trong gia đình ông Cảnh là nhà giáo nên khi ngôi nhà có nguy cơ bị phá hủy, học trò đã đến bảo vệ, gìn giữ làm nơi hương khói cho thầy. Giai đoạn chống Pháp, ngôi nhà bị trúng bom làm một số chi tiết ở cửa bị hỏng, gian buồng bên phải bị sập. Sau này bố ông Cảnh đã sửa lại các chi tiết này. Cũng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, khi chạy càn, gia đình ông Cảnh đã giấu bức đại tự, đôi câu đối, cuốn thư dưới ao để tránh bị phá hủy nên các đồ này nay đều ngả màu nâu đen. Năm 1971, lũ lụt dâng cao, nền nhà từ xỉ và mật bị hư hỏng, bố ông Cảnh sửa lại nền bằng đất cát, đến năm2009 ông lát lại nền bằng gạch. Đến nay ông Cảnh vẫn giữ được nhiều lục bình, bát hương, điếu... từ thời ông cha để lại. Nhiều thợ buôn đồ cổ đến hỏi mua nhiều món nhưng gia đình ông nhất quyết không bán.
Nhiều năm nay, ông Cảnh làm ăn tại Quảng Ninh. Ở quê, vợ chồng ông xây nhà trên một mảnh đất cách ngôi nhà cổ khoảng 600 m để thuận tiện buôn bán. Hiện ngôi nhà cổ không có người ở thường xuyên mà chỉ để thờ cúng tổ tiên. "Một thời gian nữa tôi sẽ về quê, ở trong ngôi nhà cổ để thuận tiện thờ cúng, hội họp, nhắc nhở con cháu trong gia đình nhớ về nguồn cội của mình", ông Cảnh chia sẻ.
Chứng kiến nhiều thăng trầm của đời người và lịch sử, những căn nhà cổ ở xã Thạch Lỗi không chỉ lưu giữ nét đẹp về kiến trúc, nghệ thuật dân tộc mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc kết nối con người với quê hương.
VIỆT QUỲNH