[Audio] Gìn giữ những ngôi nhà cổ

05/07/2023 10:19

Giữa lòng TP Hải Dương đông đúc, nhộn nhịp, những ngôi nhà cổ được xây dựng cách đây hàng trăm năm vẫn được thế hệ con cháu giữ gìn và bảo tồn, tạo nên nét độc đáo riêng.

00:00



Ông Phạm Kim Quy ở khu dân cư Đỗ Xá (phường Tứ Minh) giới thiệu về kiến trúc ngôi nhà

Độc đáo

Ngôi nhà cổ gần 110 năm của gia đình ông Đinh Văn Bàng (ở khu 6, phường Việt Hòa) được xây dựng theo kiến trúc lòng thuyền, có 3 gian ở giữa và 2 chái, làm bằng gỗ lim xanh, trên lợp ngói đất nung. Các trụ đầu hồi, trụ mặt tiền có dáng giống lục bình, được trang trí bằng hoa cúc, hoa rau muống đắp nổi, hai đầu hồi bên trên có biểu tượng cá chép hóa rồng. Chính giữa ngôi nhà đặt ngai thờ, nhang áng, câu đối ở hai bên. Phía trên ngai thờ là bức hoành phi bằng chữ Hán Nôm: "Đầu Diệc Thế", nghĩa là người đứng đầu của một thế hệ, chữ nhỏ hơn ở bên cạnh là "Duy Tân Ất Mão xuân", tức là ngôi nhà được xây vào mùa xuân năm 1915. Cột nhà, xà, câu đầu, con rường, hoành... đều được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ, cửa ra vào làm theo lối cửa võng thiều châu. Ngôi nhà có cột cái, cột hiên, cột con, xà lông, xà nách, xà tử hạ... được khớp nối, níu dằng tạo thành một thể thống nhất.

Theo ông Bàng, ngôi nhà được dựng vào năm 1915 nhưng thực tế có tuổi đời nhiều hơn. Nguyên vật liệu được cụ của ông mua lại của một gia đình ở Thanh Hóa, sau đó tháo dỡ, vận chuyển bằng đường sông về lắp ráp lại. "Ngôi nhà thể hiện sự kỳ công trong việc tìm kiếm và phục dựng lại công trình của cụ tôi ngày xưa. Nó chứa đựng nhiều ý nghĩa, không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về mặt tình cảm nên chúng tôi rất trân quý", ông Bàng nói.

Ngoài kiến trúc độc đáo, nhiều gia đình vẫn giữ nguyên cách bài trí đồ dùng từ xưa. Ông Phạm Văn Phú, chủ nhân ngôi nhà cổ cũng hơn 100 năm ở khu dân cư Đỗ Xá (phường Tứ Minh) cho biết vị trí để đồ đạc trong nhà vẫn y nguyên như khi ông còn nhỏ. Ở giữa là bàn thờ, đằng trước đặt chiếc sập gỗ, hai bên có 4 câu đối bên trong và bên ngoài, phía bên phải bàn thờ để bộ bàn ghế uống nước. Ông Phú chia sẻ: "Hằng ngày, gia đình tôi sinh hoạt trong ngôi nhà này, nhiều thói quen vẫn được lưu giữ từ xa xưa".


Một số bức tranh bằng khảm trai trong nhà ông Nguyễn Xuân Lợi ở khu Đức Minh (phường Thanh Bình) đã bị hỏng

Giữ gìn

Trải qua cả trăm năm với nhiều biến cố lịch sử, những ngôi nhà cổ vẫn được con cháu giữ gìn, phục dựng. Ngôi nhà của ông Phạm Kim Quy ở khu dân cư Đỗ Xá (phường Tứ Minh) được xây dựng từ năm 2010. Tuy nhiên, nguyên liệu để làm nhà được mua lại từ một người ở Thái Nguyên và cũng có tuổi đời 60-70 năm. Từ lâu, ông Quy đã muốn xây ngôi nhà mang đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng khi tham khảo nhiều nơi ông thấy nếu làm mới hoàn toàn thì chất lượng gỗ sẽ không được tốt như trước đây và nhiều chi tiết hoa văn sẽ không giống. Vì thế, ông đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc tìm kiếm nguyên liệu của ngôi nhà cổ để phục dựng lại. "Tất cả kích thước, hoa văn, cách sắp xếp vị trí các cột... đều giữ nguyên như nhà cổ trước đây, không hề thay đổi", ông Quy nói.

Do tác động của thời gian, một số ngôi nhà cổ đã bị xuống cấp nên nhiều gia đình đã chủ động tu sửa, giữ gìn. Theo ông Bàng, trước đây ngôi nhà ở vị trí ẩm thấp nên chân cột bị ảnh hưởng ít nhiều. Năm 2013, ông đã thuê thợ nâng ngôi nhà lên cao 2 m, các chân cột được bổ sung nền đá ở bên dưới. Một số viên ngói hay cột bị hỏng, ông đã thuê thợ làm lại, kích thước, kiểu dáng đều giữ nguyên như trước.


Cột gỗ trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Đinh Văn Bàng ở khu 6 (phường Việt Hòa) được bổ sung thêm phần chân cột đá sau khi tu sửa

Tuy nhiên, một số ngôi nhà đã có dấu hiệu bị xuống cấp nhưng chưa được bảo tồn. Theo ông Nguyễn Xuân Lợi ở khu Đức Minh (phường Thanh Bình), nhà cổ của gia đình ông có chỗ bị dột, các bức tranh khảm trai có chỗ bong tróc nhưng ông chưa có điều kiện tu sửa. "Tôi mong các cấp chính quyền vào cuộc, có biện pháp tu sửa những ngôi nhà cổ này để không bị hỏng hoặc mất đi. Có như vậy mới giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống của ông cha từ xa xưa", ông Lợi nói.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hải Dương, trên địa bàn thành phố có 14 ngôi nhà cổ từ hơn 100 tuổi đến hơn 40 tuổi, một số ngôi nhà không rõ năm xây dựng. Ngoài ra, cũng có một số ngôi nhà mới được phục dựng trong những năm gần đây. Các ngôi nhà đều có kiến trúc cổ, phần lớn làm bằng gỗ lim xanh, chạm khắc tỉ mỉ với nhiều hoa văn mang đặc trưng của kiến trúc nhà cổ Bắc Bộ. Hầu hết các ngôi nhà đều trong tình trạng cần được bảo vệ hoặc có những nghiên cứu cụ thể hơn để nắm rõ những giá trị văn hóa đặc trưng.

Với những giá trị to lớn về kiến trúc, UBND TP Hải Dương nên có giải pháp phối hợp cụ thể hơn nhằm giữ gìn nguyên vẹn những ngôi nhà cổ.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Gìn giữ những ngôi nhà cổ