Dịp Tết thanh minh về, gia đình chúng tôi lại ngồi quây quần bên nhau ngoài khu mộ, mỗi người một việc, người dọn cỏ, người dán giấy, người đốt vàng mã…
Những cơn mưa phùn ngoài sân vẫn lất phất rơi ngoài hiên vắng. Ngoại nâng góc khăn rằn chấm mắt nhìn ra phía sân, từng hạt mưa rơi trên nền đất. Ngoại lại buông một tiếng thở dài, gần tới Tết Thanh minh. Với ngoại, thanh minh là một thứ gì đó rất đỗi thiêng liêng mà cũng đượm buồn với những ký ức ngủ yên cùng năm tháng.
Thanh minh là dịp người ở lại tưởng nhớ người đã ra đi. Mỗi năm, tôi lại thấy nỗi buồn vẫn luôn in hằn trên mắt ngoại. Buổi sáng bước ra vườn dọn dẹp, làm cỏ quanh mộ, ngoại lại kể tôi nghe những chuyện của ngày xưa. Ngoại nhắc nhiều về những người đã mãi mãi ra đi. Những mảng ký ức rời rạc được ngoại chắp nối lại với nhau thành những nỗi nhớ chẳng thể nào quên trong lòng của tôi. Ngoại nhắc về ông ngoại, về người chồng cả đời chịu nhiều gian khó, gồng gánh cả gia đình trên đôi vai, ngoại nhớ về cha mẹ của mình, những người ra đi trong thời chiến với niềm tin ngày độc lập. Đôi tay ngoại vẫn tỉ mẩn làm sạch khu mộ sau vườn, nơi những người thân của ngoại đã mãi mãi nằm lại. Ngoại vẫn thường nói với tôi, người chết hay người sống cũng cần có ngôi nhà sạch sẽ, cũng thể hiện tấm lòng của mình đối với người thân.
Dịp Tết thanh minh về, gia đình chúng tôi lại ngồi quây quần bên nhau ngoài khu mộ, mỗi người một việc, người dọn cỏ, người dán giấy, người đốt vàng mã… Trong làn khói nhang bảng lảng, những câu chuyện về người thân cứ như nhắc nhở con người ta biết trân quý hơn những con người vẫn hằng ngày bên cạnh. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn hay thắc mắc đốt vàng mã để làm gì, người mất chắc gì đã nhận được, không phải chết là hết hay sao? Rồi tôi lớn dần lên theo năm tháng, những mùa Tết Thanh minh cứ dần qua với những câu chuyện của ngoại vẫn thì thầm bên tai, tôi mới hay đó như một cách con người ta nhớ đến người đã khuất. Để tôi chợt nhận ra người ta chỉ thật sự mất đi khi chẳng còn ai nhớ đến họ nữa. Và câu chuyện về những ngôi mộ sau vườn sẽ được tôi kể lại cho những đứa trẻ trong nhà.
Những đứa trẻ chạy quanh khu mộ, được cha mẹ dắt đi tảo mộ như giáo dục các em biết kính trọng tổ tiên. Biết ơn những người đã khuất. Và cũng là dịp để những người ở xa có dịp trở về sum vầy bên người thân với những câu chuyện sau bao ngày xa cách.
Một mùa Thanh minh nữa lại về, ngoại vẫn lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết của những người đã khuất. Tôi lại được sống trong những câu chuyện về họ. Thời gian có thể bôi xóa đi vài thứ trong cuộc đời nhưng nó cũng khiến con người nhớ quay quắt về nhau. Thắp nén nhang trước mộ tổ tiên, nghe lòng mình thanh thản đến lạ. Những người xa quê cùng hứa với nhau năm sau sẽ lại về…
Mỗi năm ngoại lại già đi trông thấy, lưng ngoại đã còng đi vì năm tháng. Ngoại nắm tay tôi, đôi mắt đỏ hoe. "Nhớ sau này, dù có bận rộn thế nào cũng tảo mộ ông bà tổ tiên nghe con". Con quên làm sao được những điều nhân nghĩa như thế hả ngoại?
Tản văn của HUỲNH THỊ KIM CƯƠNG