Cả cuộc đời Người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước, để giờ đây những mùa hoa nở quanh năm trên mảnh đất này, như cuộc sống của người dân ngày một hạnh phúc, ấm no hơn, như giấc mơ Người đã từng ấp ủ...
Mỗi khi cảm nhận được hương hoa xoài đang tới mùa nở rộ, trong tôi lại không ngừng ngân nga những vần thơ thánh thót, vừa đầy tính nhạc lại vừa giàu chất tạo hình của nhà thơ Tố Hữu: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Vườn xoài hoa trắng nắng đu đưa”. Những câu thơ miêu tả khu vườn của Bác thật đẹp đẽ, bình yên. Dường như Người đã hóa thân vào bầu không khí ấy, vào từng ngọn cỏ, nhành cây, từng làn gió, đám mây để sống mãi cùng đất nước. Hình ảnh vườn xoài hoa trắng cứ đọng mãi, lung linh trong tâm trí tuổi thơ tôi. Tuy đã nhiều lần vào lăng viếng Bác, từ khi còn là học sinh quàng khăn đỏ tới khi đã lớn khôn, những hàng xoài đu đưa trong nắng vẫn gợi lên trong tôi vẹn nguyên sự xúc động, kính yêu với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Những mùa hoa xoài nở trắng tàn cây, hít hà mùi hương trong gió, tôi vẫn hằng tưởng nhớ tới Người, tràn đầy lòng biết ơn bởi mỗi mùa quả ngọt mà chúng ta đang hưởng đều có phần công sức của Bác.
Trên ban công nhà tôi luôn có ít nhất một chậu hoa hồng. Tôi vốn không mấy yêu loài hoa này bởi thấy chúng được cả tự nhiên lẫn người đời dành cho nhiều ưu đãi, vừa có sắc có hương, lại được xưng danh “nữ hoàng của các loài hoa”. Cho tới khi được học bài thơ “Vãn cảnh” của Người, hoa hồng đã tạo cho tôi ấn tượng hoàn toàn khác. Trong nhà ngục tối tăm và cực khổ, bị đày đọa đến tột cùng về thể xác, Người vẫn giữ vẹn nguyên tinh thần hướng về cái đẹp, vẫn cảm nhận được hương hoa trong buổi chiều hôm. Mùi hương tinh túy của hoa đã tìm đến với Bác như những cái đẹp tìm đến sự đồng điệu hay chính sự lạc quan, đẹp đẽ trong tâm hồn. Tôi đã yêu hoa hồng từ những vần thơ ấy của Người để phát hiện loài hoa rực rỡ, ngát hương này dường như có khả năng xoa dịu những muộn phiền. Mỗi khi ngắm nhìn những bông hoa từ từ xòe cánh, thấy lòng mình thật quá đỗi bình yên. Tình yêu của Bác với đất nước, quê hương, với lớp lớp người dân cũng đẹp đẽ như loài hoa ấy. Chỉ khác là hoa nở rồi tàn, còn tình yêu của Người vẫn sống mãi với non sông, Tổ quốc, với những áng thơ, bài ca và trong tâm tưởng của người dân Việt Nam.
Những năm gần đây, trên những đường phố, trong những khu vườn nhỏ của các gia đình thành thị, xuất hiện nhiều loài hoa xưa kia vốn chỉ phổ biến ở thôn quê. Đó là hoa râm bụt - cây hoa thường được trồng làm hàng rào và nở rộ khi mùa hạ bắt đầu. Loài hoa ấy gắn bó với tuổi thơ của Bác nên đi đâu, khi có điều kiện Bác đều trồng cho mình một hàng rào râm bụt để nhớ về làng quê tuy cách xa nhưng mãi ở trong tim. Người từng dùng câu chuyện về cây râm bụt để nhắc nhở anh em cận vệ “Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm”. Nỗi nhớ giản dị nhưng sâu sắc, lớn lao ấy đã hóa thành những hàng râm bụt trổ hoa đỏ rực quanh nơi Người từng sống. Nhìn các loại hoa râm bụt khoe sắc trên đường với nhiều loại, nhiều màu hoa mới chứ không chỉ một màu hoa đỏ truyền thống, tôi vẫn không khỏi bồi hồi nhớ về hàng rào râm bụt dẫn vào khu di tích Kim Liên, khu ATK Định Hóa hay quanh ngôi nhà sàn của Người ở thủ đô Hà Nội. Cả cuộc đời Người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước, để giờ đây những mùa hoa nở quanh năm trên mảnh đất này, như cuộc sống của người dân ngày một hạnh phúc, ấm no hơn, như giấc mơ Người đã từng ấp ủ...
Tản văn của SONG KHUÊ