Tản văn

Cái mùa hoa gạo cháy...

Ghi chép của HOÀNG THƯƠNG 18/03/2024 06:00

Pơ lang! Mộc miên! Hay cây gạo! 3 tên gọi cho cùng một loài cây, loài hoa gắn bó với đời sống con người.

z5245317603187_f63d9e025de2943bd69237e16087fe3d-3f4a2c11ec427b98b1249a09507720c1.jpg
Hoa gạo bừng nở đúng tháng ba. Ảnh: Đỗ Thanh Mai

Loài hoa ấy lại chọn đúng thời điểm tháng ba, tháng của mùa giáp hạt mà trổ bông, mà rừng rực cháy, mà nức nở gọi chào mào, dẻ quạt về tụ hội giữa sắc xanh nõn nà của lúa con gái đương thì để chất chứa cái khát khao no đủ của nhà nông giữa ngày thiếu đói.

Từ loài cây bình dị

Có lẽ, hiếm có loài cây nào lại chọn chỗ chênh vênh, đơn độc để bám rễ, vươn cành và trổ bông như cây gạo. Cứ triền đê, bãi sông nơi vốn là “đồng không mông quạnh” để làm nơi bám rễ. Chim thả hạt chẳng chọn đất định ngày, rồi cứ nắng cứ mưa, gạo lầm lũi chắt chiu nhựa sống từ khô cằn, không người bón chăm, cứ nảy chồi, xù gai dọc thân vừa tự bảo vệ mình vừa vươn lên mà vươn cành xòe tán. Giữa mênh mang đồng bằng bãi bồi hay chênh vênh dọc ta luy đường lên cao nguyên đá hay đơn độc giữa đồng đều có bóng gạo xòe tán. Những tán cây gạo ấy không chỉ là điểm để đánh dấu lối về trong hành trang của người đi xa “Hoa gạo đầu đình vẫy mãi người xa quê” như trong thơ Hoàng Cầm mà còn là bóng mát tỏa che cho những người nông dân lam lũ, sấp ngửa tránh cái nắng bỏng rát đổ xuống giữa hè, là nơi ngơi nghỉ mỗi lúc dừng tay. Cây gạo cứ thế tồn tại, đơn độc, xù xì, gai góc giữa bạt ngàn xanh để mỗi tháng ba về, tiếng trống hội làng thì thùng vang lên là cả không gian của gạo bùng lên sắc đỏ.

Mùa hoa gạo nở cũng là mùa lễ hội, mùa của rét nàng Bân và mùa giáp hạt khi “Em ạ, mùa xuân đã cạn ngày”... Có lẽ cái màu rừng rực lửa của hoa gạo phải chăng không chỉ làm sáng lên không gian vốn dĩ đang ẩm ướt của trời nồm giữa mưa phùn rả rích mà còn chất chứa cả những nhớ nhung“Bây giờ em đã xa xôi/ Mà bông gạo vẫn đỏ trời tháng ba” như trong thơ Hà Cừ là thế.

z5245317609656_6dc1bdb287b8f5fc1ba6930260ebb9e9-8996bdead59b4757638235851da17512.jpg
Hoa gạo nở đỏ khắp nhiều vùng quê Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thanh Mai

Mỗi loài cây và hoa có hình dáng riêng, nhưng với cây gạo, dáng thân và hoa rất riêng biệt. Cây hoa gạo trưởng thành có dáng thẳng, cao khoảng 15 – 20 m, thuộc loại thân gỗ với lớp ngoài sần sùi ngã màu xám nâu. Những cành gạo bánh tẻ thường bao gai nhọn, tán gạo xòe từng tầng tạo bóng mát. Bên mái chùa làng tĩnh lặng, thường mấy ai nhớ tuổi cây, nhớ tên người trồng. Chỉ biết khi đơm hoa, thân gạo đã cao vút, vóc xù xì, mốc thếch, đọt lá trên cao non tơ và hoa nở tưng bừng. Hoa gạo nở bung khi chỉ còn đôi ba cơn gió lạnh vờn tán gạo trên cao và bước nhảy của đám chim tinh nghịch đủ làm rung rinh những cành nâu non đính đầy sao đỏ. Hoa gạo 5 cách, thẳng, đài dày như cổ tay thiếu nữ ôm khít cánh hoa, từ khi chớm nở, đến nở bung rồi rời cành rụng xuống vẫn một màu rừng rực giữa vòng ôm khít khao như thế. Hoa gạo tẻ bông to, màu đỏ hanh vàng, 5 cánh thẳng. Hoa gạo nếp bông nhỏ hơn, đỏ tươi, nở bung, cánh cong như ngón tay búp măng ưỡn về phía đài hoa.

Truyền thuyết về cây hoa gạo nhiều lắm, nhưng truyền thuyết được nhiều người biết và nhắc nhớ dù tên cây có là Pơ lang, mộc miên hay cây hoa gạo theo “Cổ tích Việt Nam” đều gắn với “mối tình nồng cháy, trắc trở nhưng thủy chung của đôi trai gái có trách nhiệm với đời sống của dân làng, và hoa gạo chính là sự hóa thân khi chàng trai trước khi lên thiên đình hỏi Ngọc Hoàng sao làm mưa nắng thất thường cho dân làng khổ sở đã buộc vào tay người yêu băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thuỷ chung. Bị thiên đình giữ lại, còn nâng bầu trời xa mặt đất để người hạ giới không tự do lên xuống thiên đình, chàng trai không thể trở về kết duyên cùng cô gái. Đau đớn, cô gái tấu lên Ngọc Hoàng “nếu không thể cho chàng trở về, xin người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần nhìn thấy chàng, dải vải đỏ biến thành hoa để anh ấy nhận ra thần” rồi cô gieo mình xuống đất, năm đầu tua vải đỏ nơi cổ tay bung thành năm cánh hoa thắm màu máu, xoay tròn, xoay tròn giữa không trung. Người đời gọi đó là hoa gạo, loài hoa đỏ rực như tình yêu nồng thắm của hai người”.

Phải chăng từ truyền thuyết ấy, mỗi độ tháng ba về, màu hoa gạo đỏ trên tán cây cao vợi lại thắp lên những tia nắng mới. Cái màu đỏ thiết tha gợi về mùa cũ, về tuổi thơ, về những chiều lang thang nhặt bông gạo lặt cánh hoa tước tơ chơi. Vốn hay mọc ở đất đình, chùa, cây hoa gạo thường gắn nhiều với đời sống dân làng, thậm chí còn là nơi để những con người nghèo đói, cơ hàn khi về thế giới bên kia trú ngụ. “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” và ngày cúng cô hồn tháng bảy, khi tiết Ngâu sụt sùi, cháo trắng đổ trong phễu lá đa cắm đầy gốc gạo sân chùa. Khi trời đã xanh hơn, nắng có hanh vàng, hoa phơi phới khoe mình trong nắng càng rực cháy. Từ trong gốc rễ u sùi, từ thân cây bong tróc khẳng khiu, màu đỏ tụ về trên cánh hoa gạo luôn tươi nguyên, rạng rỡ. Đỡ bông gạo trong tay, như cảm nhận được bước thời gian với vô vàn chiêm nghiệm.“Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng” hay “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”.

Đến những “ngọn đuốc” cháy là di sản được bảo tồn trên đất Hải Dương

files-library-images-site-1-20230310-web-ve-dep-vuot-thoi-gian-cay-di-san-viet-nam-o-hai-duong-51-101527.jpg
Cây gạo ở chùa Khánh Thiện, xã Liên Hòa (Kim Thành) thường kết những chùm nụ chúm chím, bung nở vào tháng 3 - 5 hằng năm. Ảnh tư liệu

Về với Hải Dương tháng ba, không khó khi ta muốn tìm một tàng hoa gạo đỏ bung nở. Bên mái đình, trên vòm cong mái chùa, xoải theo triền đê, dọc những con đường nối làng với làng là miên man sắc hoa gạo đỏ. Có những khúc cong, hoa gạo tàng tiếp tàng tạo thành những dòng sông hoa rừng rực cháy. Khi đó, cả tán gạo như một bó đuốc lớn với những ngọn lửa bám trên những thân cành nâu đỏ.

Vốn là đất bãi bồi cửa sông, được mệnh danh là vùng đất lành với biết bao những di tích văn hóa, những danh thắng nổi tiếng cả nước, người Hải Dương còn tự hào bởi những cây hoa gạo cổ thụ. Với những “cụ cây” này, hoa gạo không đơn thuần là cây lấy bóng mát mà còn là biểu tượng cho làng quê Việt Nam với sự bình yên, sung túc... Những năm gần đây, nhiều cây hoa gạo được khảo sát và xếp hạng vào danh sách cây cổ thụ cần được vinh danh và bảo vệ. Hình ảnh cây gạo ở thôn Phí Gia xã Đồng Cẩm, Kim Thành có tuổi đời gần 200 năm, thân cao tầm 30 – 35m vẫn nở đỏ trời; là hàng gạo dọc đường liên huyện từ đất Phú Lộc đi thị trấn Cẩm Giang huyện Cẩm Giàng; là những bó đuốc đỏ rực giữa sắc xanh của tràm, của keo khắp Viên Lăng đền Kiếp Bạc; là cây gạo cổ thụ tại thôn Lạc Thiện, xã Liên Hòa, huyện Kim Thành có tuổi đời khoảng 175 năm, có thân thẳng cao 25m, đường kính 97,34 cm, tán nhiều tầng xòe rộng như chiếc ô lớn chứng kiến bao vui buồn, được mất của biết bao kiếp nhân sinh ở làng quê thuần nông này.

Mỗi phận cây, bao phận đời khi cây gạo đứng đó sừng sững như chứng nhân lịch sử. Một phần văn hóa, phong tục của thôn Cát Tiền xã Hồng Hưng, Gia Lộc ghi dấu trong cây gạo cổ với đường kính gốc khoảng 80 cm, cao chừng 20 m, trải qua bao mưa nắng, cây gạo vẫn xanh tươi và gắn bó với đời sống tinh thần của người dân thôn Cát Tiền. Và cùng với cây gạo cổ thụ ở thôn Lạc Thiện, hai cây đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản.

Cây gạo cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam không chỉ là niềm vui đối với người dân một làng, một xã cụ thể gắn với việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị trong đời sống văn hóa của nhân dân mà còn như đòn xeo kéo đẩy bao hoạt động phong trào khác nữa nhằm nâng cao đời sống văn hóa vật chất tinh thần cho người dân hòa chung với sự phát triển của địa phương. Ai bảo cây không có linh hồn? Cây là hồn làng, là vía xã, là điểm nhớ khó phai mờ nhất là với những người con xa quê về đất mẹ.

Không mơ màng như hoa sưa, ngát đằm như hoa bưởi hay thanh cao như hoa sen, hoa gạo luôn gắn với những bình dị khiêm nhường mà kiên cường, nhẫn nại với bóng dáng người nông dân lam lũ. “Tháng ba hoa gạo gọi hè/ Lập lòe lửa đỏ đường quê đầu làng/Xa lâu gặp lại ngỡ ngàng/Ai mang lửa đỏ vãi lên ngang trời”... là nét quen thuộc khi nhắc về hoa gạo. Nhưng Hải Dương còn độc đáo và nổi tiếng với tàng hoa gạo vàng óng ả, đằm thắm. Cây hoa gạo này thuộc khu di tích lịch sử đền Long Động xã Nam Tân huyện Nam Sách, ngôi đền thờ 3 danh nhân khoa bảng hàng đầu đất Việt là Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan và Mạc Đĩnh Chi được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ở Nam Sách. Không mang màu đỏ quen thuộc, cây gạo tại đền Long Động lại cho những bông màu vàng vô cùng rực rỡ, lạ mắt. Cây hoa gạo hoa vàng này được ông Mạc Song Chính, một người dân làng Long Động lấy giống về trồng vào năm 2010. Sau hơn 10 năm chăm sóc đến nay cây đã cao hơn 10m và 3 năm trở lại đây bắt đầu đơm hoa. Sắc hoa vàng như màu hoàng bào của cây gạo nơi này đã thêm phần khiến ngôi đền trở thành địa chỉ chiêm bái và săn ảnh của khách du lịch khi về đất Hải Dương. Và để bảo tồn nguồn gien quý này, ban quản lý di tích Đền Long Động đã cho chiết cành, nhân giống cây hoa gạo vàng nhưng thêm một lần kỳ bí khi ông Mạc Song Chính, người mang giống cây về trồng cho biết: “cây gạo này lại chỉ nở hoa vàng khi được trồng trên đất của đền thiêng”.

Thế là ... lại thêm một chứng nhân trên đất Hải Dương. Cũng kỳ bí, huyền thoại như Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi lừng lẫy.

Ghi chép của HOÀNG THƯƠNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái mùa hoa gạo cháy...