Những lầm tưởng phổ biến về ung thư phổi

20/11/2022 15:21

Nhiều người nhầm tưởng ung thư phổi chỉ xảy ra với người hút thuốc hay người lớn tuổi, hoặc phẫu thuật có thể khiến khối u lan rộng.

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới. Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính năm 2022 có khoảng 236.000 ca chẩn đoán mới ở nước này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận 2,21 triệu ca ung thư phổi trên toàn cầu tính đến năm 2020, trong đó 1,8 triệu ca tử vong.

Đây là bệnh ung thư phổ biến, tuy nhiên thường dễ bị hiểu sai. Tháng 11 được WHO chọn là "tháng nâng cao nhận thức về ung thư phổi", các chuyên gia đúc kết những lầm tưởng sau về căn bệnh này.

Ung thư phổi chỉ ảnh hưởng đến người lớn tuổi

Theo John Costello, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Mayo Clinic, ung thư phổi phổ biến ở người già. Độ tuổi chẩn đoán trung bình là 70 tuổi. Nguyên nhân là vì người cao tuổi tiếp xúc với khói thuốc lá trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, ung thư phổi vẫn có thể xảy ra ở người trẻ. Theo Lisa Jacques, y tá chuyên khoa ung thư tại Perci Health, có những người mắc ung thư phổi khi còn rất trẻ, ở độ tuổi 20 hoặc 30.

Ung thư phổi là bệnh của người hút thuốc

Hút thuốc lá là yếu tố làm tăng khả năng mắc ung thư phổi, song không phải nguyên nhân duy nhất. Khoảng 10% người mắc ung thư phổi chưa từng hút thuốc, y tá Lisa Jacques cho biết. "Một số bệnh nhân mắc ung thư phổi do di truyền, có thể không liên quan đến hút thuốc. Số khác bị bệnh do tiếp xúc với các chất như amiăng, khí radon và hút thuốc thụ động", bác sĩ John Costello nói. Dù vậy, các trường hợp này tương đối hiếm gặp.

Hàng năm, khoảng 7.300 người Mỹ không hút thuốc hoặc hút thuốc thụ động chết vì ung thư phổi. Hơn 2.900 trường hợp khác tử vong do tiếp xúc với khí radon, sau đó phát triển thành ung thư.


Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến thứ hai thế giới, tỷ lệ sống trong 5 năm là 60% nếu phát hiện và điều trị sớm. Ảnh: Freepik

Các tổn thương do hút thuốc là không thể hồi phục

Theo bác sĩ John Costello, một số tổn thương và viêm nhiễm do hút thuốc có thể hồi phục. Tình trạng không thể phục hồi là khí thũng - khi cấu trúc phổi bị phá hủy gây khó thở nghiêm trọng.

Các chuyên gia cho biết bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, song cách tốt nhất là không tập thói quen này ngay từ đầu. Người nguy cơ cao ung thư, chẳng hạn người trên 50 tuổi, tiền sử hút nhiều thuốc lá trong 20 năm trở lên, có thể khám sàng lọc bằng cách chụp CT. Khám sàng lọc giúp giảm 20% tỷ lệ tử vong do ung thư phổi.

Ung thư phổi luôn là bản án tử

Với những tiến bộ về công nghệ và y khoa ngày nay, người bệnh được chẩn đoán ung thư phổi không có nghĩa chắc chắn tử vong. Theo bác sĩ Costello, tỷ lệ sống sót trong 5 năm ở người mắc ung thư phổi là 60%. Khi khối u đã lan khắp cơ thể, tỷ lệ này giảm còn 8%.

Tuy nhiên, các kỹ thuật mới trong sàng lọc ung thư, chẳng hạn chụp CT ở người hút thuốc, có thể giúp phát hiện mầm bệnh sớm, tăng khả năng điều trị thành công. Loại bỏ khối u khi nó còn rất nhỏ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 80-90%.

Phẫu thuật khiến khối u lan rộng

Đây là một trong những nỗi lo phổ biến của bệnh nhân và những gia đình có người mắc ung thư phổi ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, tiến sĩ Fred Hirsch, Giám đốc điều hành Trung tâm Ung thư lồng ngực tại Viện Ung thư Tisch, New York, cho biết điều này hoàn toàn sai lầm.

"Phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu để chữa khỏi ung thư. Nếu khối u lớn hoặc đã lan rộng, bác sĩ không cho bệnh nhân phẫu thuật ngay mà được hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch trước, làm giảm nguy cơ có tế bào ung thư trong máu", tiến sĩ giải thích.

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy phẫu thuật giúp kéo dài thời gian sống và làm giảm nguy cơ tử vong.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những lầm tưởng phổ biến về ung thư phổi
    ss