Trong khi cả nước đang nỗ lực vừa phòng chống dịch COIVD-19, vừa phát triển kinh tế thì hai ngày qua, cơ quan chức năng và dư luận “bỗng dưng” phải quan tâm, xử lý một vụ việc hết sức ‘vô thưởng, vô phạt”.
Đó là việc từ ngày 18.2, trên mạng xã hội bỗng lan truyền một clip học sinh giật điện thoại và tát cô giáo ngay trên lớp. Clip ngay lập tức gây xôn xao dư luận, được chia sẻ, bàn tán rầm rộ trên mạng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra tại các đơn vị trường học trên địa bàn và đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng vào cuộc xác minh tính xác thực của nội dung clip này.
Trước khi sự việc đươc làm sáng tỏ, dư luận cũng đã tỏ ra phẫn nộ, bất bình trước hành vi vô đạo đức của học sinh, trái với truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhiều ý kiến cũng “mở rộng” sự lo lắng sang sự xuống cấp đạo đức trong học đường, trong môi trường sư phạm. Chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, nhưng nhiều ý kiến đã lớn tiếng đòi hỏi xử lý nghiêm khắc cậu học sinh, thậm chí cả hình sự. Ý kiến khác lại đặt ‘giả thuyết” về khả năng, trình độ sư phạm của cô giáo trong clip vì sao mà để học sinh có hành động bột phát như vậy…
Cũng rất nhanh chóng, đến chiều 19.2, báo chí đã đưa tin kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng về vụ việc. Sự thật là việc đã xảy ra vào ngày 25.5.2020 ở một Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của Hà Nội. Trong giờ học môn Toán lớp 8, một học sinh mượn tai nghe điện thoại của bạn cùng lớp để sử dụng trong giờ học. Mặc dù giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần nhưng học sinh này không nghe lời, do vậy giáo viên đã tịch thu tai nghe của học sinh và thông báo rằng cuối giờ sẽ trả lại. Lúc này, người học sinh cho bạn mượn tai nghe đi từ cuối lớp lên bàn giáo viên và văng tục với cô giáo, tự ý lấy lại tai nghe rồi bất ngờ tát vào mặt giáo viên.
Tại cuộc họp giải quyết vụ việc, gia đình học sinh đã xin lỗi cô giáo và trung tâm, đồng thời cho biết về tình trạng sức khỏe của em này có biểu hiện của bệnh trầm cảm, hay mất ngủ, tinh thần căng thẳng, dễ bị kích động, rất sợ bị mất đồ... Giáo viên chủ nhiệm cũng xác nhận học sinh này ít nói, ít giao tiếp với các bạn, hay có biểu hiện mệt mỏi, thiếu ngủ.
Sự việc đã khép lại với hình thức xử lý đủ mang tính giáo dục và nhân văn. Đến đầu năm học 2020 - 2021, gia đình học sinh có nguyện vọng cho con tiếp tục học nên trung tâm đã đồng ý tiếp nhận trở lại. Nhưng đáng trách trong vụ việc này lại không phải ở phía nhà trường hay gia đình học sinh. Việc quay clip có lẽ do một học sinh trong lớp thực hiện, nhưng việc góp sức cho clip lan truyền trên mạng thì không chỉ có học sinh.
Có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, người đăng phát, chia sẻ biết rõ sự việc nhưng vẫn làm thì rõ ràng đáng lên án, bất kể là vì mục đích cá nhân hay đơn thuần chỉ là câu view. Thay vì cần chia sẻ, cùng giúp bạn học sinh (có thể coi như là một bệnh nhân) tiến bộ, hòa nhập, nhắc lại sự việc vào thời điểm này chỉ làm tổn thương thêm đến cô giáo, học sinh và gia đình, nhà trường, gây tâm lý bất ổn và rất có thể khiến học sinh đó mang một mặc cảm lớn hơn, diễn biến tâm lý khó lường hơn.
Thứ hai, người đăng phát, chia sẻ, bình luận về clip một cách vô ý mà chưa biết rõ sự thật thì đây cũng có thể gọi là một hành động vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, đây cũng là một bài học cho các phóng viên báo chí về đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ nếu không bình tĩnh thẩm định, xác thực mà vội vã chạy theo “trend” để câu khách.
Qua sự việc này một lần nữa cảnh tỉnh cho chúng ta về trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng khi lên mạng Internet. Mỗi một hành động nhỏ thiếu ý thức của mỗi người cũng hoàn toàn có thể làm một đốm lửa bùng lên thành đám cháy lớn.
Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân cả nước đang căng mình chống “giặc” COVID-19, nhất là ở các địa phương đang có dịch. Có rất nhiều việc đang cần sự chung tay của mỗi người, như câu nói “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Đó có thể là tập trung hoàn thành tốt kế hoạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêu thụ nông sản “giải cứu” cho bà con vùng dịch… hay đơn giản chỉ là ở yên trong nhà, thực hiện 5K như yêu cầu của Bộ Y tế.
Vậy nên, đừng để những sự việc như clip ở trên lan truyền một lần nữa chỉ vì thiếu hiểu biết.
TRẦN NGỌC TÚ