Bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bắt liếm ghế, cho bạn tát vào má… cho đến bạo hành tinh thần bằng cách lên bục giảng nhưng “không nói gì”… là những hình thức kỷ luật đã từng gây xôn xao dư luận.
Vì lỡ nói tục trên sân trường bị đội cờ đỏ ghi lại, 2 năm trước một học sinh lớp 6 ở Quảng Bình bị cô giáo T. cho các bạn trong lớp tát 230 cái vào má. Khi bị tát cái cuối cùng, học sinh này vừa khóc vừa đau, buột miệng nói tục và bị cô giáo vung tay tát thêm.
231 cái tát khiến em học sinh nhập viện trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Cô giáo T. sau đó bị tạm đình chỉ giảng dạy để xử lý vi phạm.
Hình thức cho cả lớp tát bạn cũng được một nữ giáo viên ở Hà Nội áp dụng cách đây 4 năm trước. Một học sinh lớp 4 ở Thường Tín nói bậy trong lớp và bị giáo viên chủ nhiệm cho hơn 40 bạn cào, tát vào má em học sinh này. Hậu quả, má em học sinh bị sưng tấy, trầy xước còn tâm lý thì sợ hãi. Nữ giáo viên bị nhà trường đình chỉ giảng dạy một học kỳ.
Bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bắt liếm ghế, cho bạn tát vào má…cho đến bạo hành tinh thần cách lên bục giảng nhưng “không nói gì...xảy ra trong giáo dục |
Từ uống nước giẻ lau bảng, súc miệng bằng xà phòng...
Một học sinh lớp 3, Trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) nói chuyện trong lớp đã bị cô giáo phạt bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng. Nữ giáo viên từng tốt nghiệp đại học kinh tế và có văn bằng 2 hệ đại học sư phạm tiểu học, đồng thời là con gái của một lãnh đạo ngành giáo dục cấp huyện. Cô giáo này sau đó bị chấm dứt hợp đồng, ra khỏi ngành giáo dục.
5 năm trước, cô giáo H., Trường THCS Nhân Đạo (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã bắt 7 học sinh nói tục trong lớp phải súc miệng bằng xà phòng. Đây là nội quy trong lớp cho chính giáo viên này đề ra: “Nếu ai vi phạm nội quy nhiều lần thì phải súc miệng bằng xà phòng”.
Năm 2014, ba giáo viên ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) đã phạt hàng chục học sinh các lớp 4B1, 4B2 và 5B1 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp. Nhiều học sinh bị bắt ăn ớt dẫn đến cay nóng, đỏ miệng, đỏ môi, phải uống nước liên tục.
Còn ở Trường Tiểu học Liên Minh Công Nông (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), khi quay lên bảng viết bài thì lại nghe dưới lớp có tiếng ồn ào, 7 năm trước, một nữ giáo viên dọa sẽ quẹt giẻ lau bảng vào miệng học sinh nào nói chuyện riêng. Nữ giáo viên nhắc nhiều lần nhưng không có tác dụng nên sau đó bắt 11 học sinh chuyền nhau chiếc giẻ lau bảng để ngậm.
Một hình phạt khác phản giáo dục không kém là của cô giáo P. (Nghi Lộc, Nghệ An) vào 8 năm trước. Vì học sinh không thuộc bài, cô giáo này đã dọa sẽ nhúng đầu các em vào bồn cầu, thùng nước trong nhà vệ sinh. Sợ phải nhúng đầu vào bồn cầu, những học sinh lười học sau đó tự nhúng đầu vào thùng nước để được vào lớp.
Đến... bắt học sinh liếm ghế
Không dùng đòn roi, nhưng cách đây 2 năm, một cô giáo ở Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh đã bạo hành tinh thần học sinh bằng cách lên lớp “không nói gì” suốt 3 tháng.
Chỉ vì lý do riêng, cô giáo dạy toán lên lớp chỉ viết bài lên bảng mà “không nói gì” với học sinh. Hình thức bạo hành tinh thần này gây xôn xao dư luận suốt thời gian dài. Sau sự việc, cô giáo bị kỷ luật cảnh cáo và chuyển xuống làm thư viện. Nhưng dường như chưa rút được bài học kinh nghiệm, nên khi quay lại đứng lớp từ đầu năm 2019, cô này tiếp tục ném vở học sinh và bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy.
Nhiều người vẫn chưa quên hình phạt bắt 47 học sinh phải liếm ghế của một cô giáo Tiếng Anh ở Trường THCS Hoa Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) 17 năm trước. Chỉ vì không tìm ra học sinh nào vẽ bẩn lên ghế giáo viên và hai bàn đầu của lớp học, nữ giáo viên bắt toàn bộ học sinh thay nhau liếm ghế cho sạch. Cô giáo này sau đó bị kỷ luật với hình thức chuyển xuống làm văn thư hành chính.
Những hình phạt khác như bắt quỳ gối, dùng những lời lẽ hà khắc để nói với học sinh ... thì không hiếm.
Theo Vietnamnet