Những điểm mới trong quy định về trách nhiệm nêu gương

14/03/2019 09:11

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ, người giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nêu gương từ việc nhỏ tới việc lớn.

Ngày 5.3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc Đảng bộ tỉnh.

Quy định lần này có nhiều điểm mới đáng quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ các đối tượng phải thực hiện nêu gương, nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí cấp ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy, Thường trực cấp ủy, người đứng đầu. Người giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương bằng những hành động cụ thể, thiết thực, nêu gương từ việc nhỏ tới việc lớn.

Các nội dung nêu gương cần súc tích, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và được xây dựng dựa trên tinh thần của Quy định số 08 ngày 25.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; kế thừa Hướng dẫn số 05 ngày 28.2.2013 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp và Quy định số 299 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trong đó, xác định rõ 6 nội dung chính cần nêu gương với quan điểm vừa xây, vừa chống. Cụ thể, 6 nội dung cần nêu gương là: Về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lối làm việc; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tự phê bình và phê bình.

Quan điểm xây thể hiện ở 19 điểm cụ thể trong từng nội dung cần nêu gương. Trong đó, nhấn mạnh nhiều vấn đề mới so với các quy định trước đây như yêu cầu phải tích cực học tập lý luận chính trị; tuyên truyền bảo vệ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm; xây dựng gia đình văn hóa; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; coi trọng hiệu quả và sản phẩm cụ thể trong công việc;  phân công rõ người, rõ việc....

Quan điểm chống thể hiện ở 7 điểm cụ thể như  kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; không tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; không chỉ đạo trái thẩm quyền, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; không tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu; kiên quyết chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện coi thường, xa dân, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu.... 

Quy định lần này cũng coi trọng thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình để cấp dưới noi theo; nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai phải kiên quyết đấu tranh; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Việc xử lý vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương cũng được quy định rõ. Theo đó, cán bộ, đảng viên vi phạm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín, danh dự của tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân tùy theo mức độ, hậu quả sẽ bị xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính hoặc chịu trách nhiệm dân sự, hình sự theo quy định. Cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp có nhiều dư luận vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương, cấp có thẩm quyền chủ động xem xét đánh giá cán bộ để có phương án điều chuyển, bố trí công tác không chờ đến hết nhiệm kỳ bổ nhiệm. Cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương, bị xử lý kỷ luật chưa đến mức phải cách chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cấp có thẩm quyền xem xét cho từ chức, miễn nhiệm hoặc điều chuyển, bố trí công tác khác.

Quy định cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt quy định này; gắn thực hiện quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định; kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương cho cấp dưới. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quy định. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những điểm mới trong quy định về trách nhiệm nêu gương