Vua Trần Thánh Tông, danh y Lê Hữu Trác, nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt... là những danh nhân sinh năm Canh Tý.
Vua Trần Thánh Tông: là vị vua thứ hai của nhà Trần, sinh ngày 13.10.1240 tại kinh thành Thăng Long. Khi quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần 2 (năm 1285) và lần 3 (năm 1287), Trần Thánh Tông lúc đó là Thái thượng hoàng cùng vua là Trần Nhân Tông đã lãnh đạo triều đình và toàn dân kháng chiến thắng lợi. Sử thần Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” đã khen rằng: “Thánh Tông nối nghiệp Thái Tông, giữa chừng gặp giặc cướp biến loạn, ủy nhiệm cho tướng thần cùng với Nhân Tông giúp sức làm nên việc, khiến thiên hạ đã tan lại hợp, xã tắc nguy lại an...”. Sử thần Lê Tung trong “Đại Việt thông giám tổng luận” cũng đã khen rằng: “Thánh Tông có lòng nhân thứ, có đức hiếu đễ, yêu người thân, hòa trong họ, tôn người hiền, trọng đạo đức, hầu kinh diên thì chọn người hiền lương, giúp thái tử kén người đức hạnh, cơ nghiệp nhà Trần do đấy vững bền”.
Vua Trần Minh Tông: là vị vua thứ năm của nhà Trần, sinh ngày 4.10.1300 tại kinh thành Thăng Long. Vua được sử cũ khen ngợi là một hoàng đế anh minh, trọng dụng các quan viên có năng lực như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hài, Phạm Sư Mạnh…, dùng luật nghiêm minh và duy trì sự hưng thịnh kinh tế - xã hội. Sử thần Ngô Sĩ Lên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” đã đánh giá rằng: “Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày”.
Tượng danh y Lê Hữu Trác tại Hà Tĩnh
Danh y Lê Hữu Trác: sinh ngày 11.12.1720 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Suốt cả cuộc đời làm nghề thầy thuốc, ông đã có công sưu tầm, phát triển và bổ sung 305 vị thuốc Nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian. Với hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu và tận tụy chữa bệnh cứu người, ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản quý giá, đó là bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 22 tập, 66 quyển, tạo nền móng phát triển cho ngành đông y Việt Nam.
Vua Duy Tân
Vua Duy Tân: sinh ngày 19.9.1900 tại Huế. Ông là con của nhà vua yêu nước Thành Thái. Khi vua cha bị thực dân Pháp đưa đi đày, ông được lên ngôi lúc còn bé. Ông khẳng định thái độ bất hợp tác với thực dân Pháp, bí mật liên lạc với các chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân, Thái Phiên. Ông tán thành cuộc khởi nghĩa năm 1916. Việc đại nghĩa thất bại, ông bị bắt ngày 6.5.1916, bị đày sang đảo Reuion (nằm trong Ấn Độ Dương).
Nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt
Nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt: sinh ngày 4.11.1900 trong một gia đình nhà Nho tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà hoạt động cách mạng, nhà sử học. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được bầu làm Chủ tịch UBND Cách mạng đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên, sau đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thừa Thiên. Từ năm 1946 - 1963, ông liên tục là đại biểu Quốc hội, giữ nhiều chức vụ quan trọng của Quốc hội và nhiều hội, đoàn thể. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhà thơ Tú Mỡ
Nhà thơ Tú Mỡ: sinh ngày 14.3.1900 tại Hà Nội. Ông là nhà thơ trào phúng nổi tiếng của Việt Nam. Năm 1951, ông đoạt giải nhất về thơ ca của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II. Đánh giá về nhà thơ Tú Mỡ, nhà văn Nguyễn Công Hoan cho rằng: “Giữa đám người cầm bút đông đảo “đa ngôn đa sự”, ông có vẻ như sống riêng ra, lấy sự siêng năng cần mẫn làm trọng, lấy cảnh gia đình yên ấm làm vui, không phiêu lưu, không mơ tưởng hão huyền, tin rằng thiên đường chỉ có ở trên trần thế, được sống khỏe mạnh, lại có công việc ưa thích đã là tiên cảnh lắm rồi, còn như có gì khó chịu trước sự đời, thì đã có nụ cười hóa giải giúp!”.
NGUYỄN VĂN TOÀN