Di tích

Đình Lương Ngọc (Bình Giang) thờ danh nhân ''trung thành với nước, ân nghĩa với dân''

NHẬT HỮU 19/07/2024 08:20

Đình Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương) thờ Thành hoàng làng tiến sĩ Vũ Thiệu, một danh nhân được sắc phong là vị thần hết lòng trung thành với nước, ân nghĩa với dân.

00:00

dinh1.jpg
Cảnh quan phía trước đình Lương Ngọc

“Tôi trung không thờ hai chúa”

Theo các nguồn tư liệu lịch sử, gia phả họ Vũ ở làng Lương Ngọc cùng hệ thống sắc phong, câu đối còn lưu giữ tại đình làng, Vũ Thiệu (không rõ năm sinh, năm mất), người xã Ngọc Cục, huyện Đường An (nay là xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức 24 (năm 1493). Thời Lê, ông được bổ nhiệm làm quan trong triều tới chức Giám sát ngự sử.

Khi nhà Mạc (Mạc Đăng Dung) cướp ngôi nhà Lê (năm 1527), Vũ Thiệu không phục đã treo mũ từ quan, về quê dựng nhà ở xứ đồng Ngọ Lang tiêu dao ẩn dật, lấy hiệu là Ngọ Lang cư sĩ.

Tiến sĩ Vũ Thiệu tâm huyết, có nhiều đóng góp với quê hương. Một thời gian sau, nhà Mạc mời ông trở lại làm quan nhưng với tấm lòng son “tôi trung không thờ hai chúa”, ông đã tự vẫn trên sông để bảo toàn tiết nghĩa.

Khi nhà Lê trung hưng lấy lại ngôi báu, xét thưởng công thần đã phong tặng ông là Toàn đức Ngọ Lang Trung đẳng thần, triều sau tôn phong Thượng đẳng thần và cho lập miếu thờ ông tại bản quán.

Niên hiệu vua Tự Đức 33 (1880) và Đồng Khánh 2 (1887), ông được sắc phong là vị thần bậc Trung đẳng - Ngọ Lang (họ Vũ) hết lòng trung thành với nước, ân nghĩa với dân, giáo hóa sâu rộng, sáng suốt rõ ràng, vẻ vang tốt đẹp, đức lớn, tài cao và cho phép xã Lương Ngọc (nay là thôn Lương Ngọc) phụng thờ thần như trước.

Giàu giá trị văn hóa, kiến trúc

dinh2.jpg
Bài trí thờ tự tại đình Lương Ngọc

Theo các cụ cao niên tại địa phương, đình Lương Ngọc xây dựng từ khá sớm, sau đó do hướng không thuận, ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của làng nên đã được vị quan An phủ sứ là Hồ Tông Thốc biết về phong thủy hỗ trợ tu sửa lại. Đình tọa lạc trên thế đất kim tinh lạc thủy, thế phát khoa danh nên trong làng thường có nhiều người đỗ đạt cao.

Đến năm Bính Ngọ (1906), đình được hưng công xây dựng lại do thân phụ cụ Vũ Huy Chân, người làng Lương Ngọc chủ trì. Đình kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm 3 gian đại bái và 3 gian hậu cung, vì kèo gỗ tứ thiết. Ngăn cách giữa đại bái và hậu cung là một khoảng sân lọng, còn gọi là sân rồng.

Năm 1932, đình tiếp tục được tu sửa, nâng cấp. Đây không chỉ là nơi thờ Thành hoàng mà còn là địa điểm tổ chức các cuộc họp của cán bộ cách mạng. Năm 1947, thực dân Pháp vào làng đốt cháy toàn bộ ngôi đình.

Sau nhiều năm, nhân dân địa phương có chung nguyện vọng phục dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ. Từ năm 1996 - 2005, đình thờ tiến sĩ Vũ Thiệu được phục dựng lại với quy mô lớn, kinh phí hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đình đã đầy đủ các hạng mục bao gồm: cổng nghi môn, tắc môn, sân, nhà giải vũ, đình chính... Đình chính ngoại thất trang trí trên bờ nóc theo đồ án lưỡng long chầu nguyệt. Hệ thống mái kiểu chồng diêm tám mái, các góc đao cong. Bộ vì được làm bằng gỗ kết hợp bê tông cốt thép. Chính giữa hậu cung xây bệ thờ giật cấp từ thấp đến cao, trong đó cấp trên cùng đặt ngai và bài vị thờ tiến sĩ Vũ Thiệu.

Đình hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị bằng gỗ, gốm, giấy, đá và đồng như: 2 đạo sắc phong, 1 bộ ngai và bài vị; 2 pho tượng phỗng, 2 thống đá, 2 voi đá, 2 bát hương đá, 16 viên gạch hoa văn lá đề, chữ thọ thời Nguyễn; quả chuông “Lương Ngọc vọng đình” đúc năm Thành Thái 3 (1891); bia “Thạch kiều bi ký - cung tiến hưng tạo” dựng năm Mậu Tuất - Vĩnh Thịnh 14 (1718); bia “Từ đường bi” dựng năm Mậu Thân (1788) và một số đồ thờ tự khác.

Để tỏ lòng thành kính, hằng năm tại đình thờ tiến sĩ Vũ Thiệu, người dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống vào tháng Giêng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ hội diễn ra từ ngày 11-15, trong đó ngày 13 là hội chính, tục gọi là ngày đản thần.

Vào ngày mồng 10, các bô lão và trai tráng trong làng bao sái đồ thờ, chồng kiệu để chuẩn bị cho lễ rước. Ngày 11, tổ chức lễ rước kiệu từ đình ra chùa Chè lễ Phật, rồi đến nghè Hạ và trở về đình tế lễ. Lễ vật dâng thánh gồm lợn, xôi, hoa quả, trầu, rượu do 4 giáp thực hiện. Ngày nay, do không có điều kiện, lễ hội được tổ chức trong hai ngày 12 và 13.

Ngôi đình đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 3834/QĐ-UBND ngày 2/11/2009.

NHẬT HỮU
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình Lương Ngọc (Bình Giang) thờ danh nhân ''trung thành với nước, ân nghĩa với dân''
    ss