Một số công nghệ ô tô độc đáo đã ra mắt hoặc đang được phát triển để ra mắt có thể tác động lớn đến chân dung một chiếc xe ô tô đạt chuẩn trong tương lai.
1. Công nghệ pin thể rắn của Toyota
Ngành công nghiệp ô tô đang chứng kiến ngày càng nhiều nỗ lực của các bên trong việc khắc phục nhược điểm của ô tô điện. Mới đây, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota đã phát triển công nghệ pin mới giúp giảm khoảng 50% trọng lượng và kích thước của pin, đồng thời giảm đáng kể chi phí.
Nếu Toyota thành công nhân rộng công nghệ pin này cho những mẫu xe thương mại, rất có thể con số 1200 km phạm vi hoạt động và thời gian sạc dưới 10 phút sẽ không còn là thông số không tưởng của những chiếc xe chạy điện nữa.
2. Thời gian sạc ô tô điện 6 phút của Nyobolt
Một tuyên bố táo bạo khác về công nghệ pin là khả năng sạc chỉ trong 6 phút của Nyobolt. Thay vì dựa theo công nghệ mới nổi như pin thể rắn, Nyobolt này tập trung tối ưu hóa bộ pin lithium-ion vốn đang được sử dụng rộng rãi để đạt được thời gian sạc cực nhanh. Các mẫu EV được thử nghiệm của hãng có phạm vi hoạt động lên tới 250 km, với thiết kế dựa trên mẫu xe thể thao Lotus Elise. Điều đáng chú ý là công ty khẳng định rằng công nghệ pin vượt trội này của hãng có thể dễ dàng áp dụng cho cả các phương tiện nặng hơn như SUV.
3. Đường điện khí hóa của Thụy Điển
Hiện tại, xe điện chỉ có thể nạp năng lượng thông qua các trạm sạc cố định nhưng tương lai có thể sẽ rất khác. Một cơ quan giao thông của chính phủ Thụy Điển đang phát triển các con đường điện khí hóa để sạc phương tiện thân thiện với môi trường ngay cả khi chúng đang di chuyển. Đặc biệt, đoạn đường đầu tiên sẽ bắt đầu được xây dựng vào 2025 để thử nghiệm tính khả thi của dự án.
Ngay lập tức, phương pháp sạc điện của dự án này đang được tranh luận sôi nổi, một số người cho rằng con đường này sẽ có cấu tạo tương tự như các hệ thống mạng lưới cáp trên cao như các hệ thống đã được sử dụng ở một số thành phố châu Âu cho xe buýt và xe điện.
4. Phim bảo vệ sơn tự phục hồi của Llumar
Các vết xước, vết bong tróc sơn do hao mòn hàng ngày luôn là nỗi ám ảnh của hầu hết các chủ sở hữu ô tô. Hiểu được tâm lý này, Llumar đã phát triển một lớp phim bảo vệ sơn tiên tiến có thể tự phục hồi các vết trầy xước nhờ lớp keo độc đáo. Tất cả chỉ mất vài phút để lớp sơn trở lại trạng thái ban đầu sau khi bị trầy xước mà không để lại dấu vết do tác động của các vật thể bên ngoài.
Sản phẩm tuyệt vời này đã có sẵn trên một số thị trường nhất định, chủ yếu được áp dụng trên các mẫu xe hạng sang hàng đầu vì mức giá của chúng. Tuy nhiên, khi công nghệ này được phát triển rộng rãi để phục vụ tệp khách hàng lớn hơn, đây sẽ là một khoản đầu tư tuyệt vời mà bất cứ người lái xe nào cũng muốn chi tiền cho phương tiện của mình.
5. Màn hình hiển thị thực tế tăng cường của WayRay
Màn hình hiển thị trên kính chắn gió (HUD) là một cách thuận tiện để người lái xe theo dõi tốc độ và điều hướng mà không cần phải rời mắt khỏi đường. WayRay là nhà cung cấp công nghệ màn hình hiển thị kính lái hàng đầu, với sự đầu tư từ các hãng như Porsche, Hyundai, và hãng đang có một kế hoạch táo bạo cho thế hệ màn hình AR tiếp theo của mình.
Công ty cho rằng, công nghệ này có thể mang lại lợi ích cho cả hãng taxi lẫn hành khách bởi quảng cáo trên ô tô sẽ giúp trả một phần tiền vé, từ đó khiến chuyến taxi trở nên rẻ hơn. Trong khi đó, các trang bị bổ sung cho quá trình điều hướng có thể gia tăng trải nghiệm lái xe của các tài xế. Tuy nhiên, cũng giống như những ý tưởng công nghệ tiên tiến khác, người tiêu dùng vẫn còn phải chờ xem mất bao lâu để công nghệ nguyên mẫu này thực sự xuất hiện trên đường.
6. Thân xe đổi màu của BMW
Được ra mắt tại CES 2022, công nghệ mực điện tử E Ink của BMW mang đến cho những chiếc xe của họ khả năng thay đổi màu sắc chỉ bằng một nút bấm. Lợi ích lớn nhất mà thương hiệu này giới thiệu vào thời điểm đó là hiệu suất tản nhiệt: vào những ngày nắng, xe có thể chuyển sang màu trắng để tản nhiệt nhiều nhất, tiết kiệm năng lượng điều hòa, trong khi vào những ngày lạnh hơn, sơn đen sẽ giúp hấp thụ nhiệt tốt hơn.
Theo cập nhật mới nhất, hãng đang cố gắng áp dụng nó vào các bộ phận khác nhau của cabin để “biến hóa” nội thất của những chiếc xe. Toàn bộ phạm vi sử dụng của công nghệ này có thể vẫn đang được phát triển, nhưng ý tưởng này có vẻ đầy hứa hẹn, và các kỹ sư phát triển nó tin rằng những chiếc xe sản xuất sẽ được tích hợp tính năng đổi màu sớm hơn bạn nghĩ.
7. Siêu xe của Bertone chạy bằng rác thải nhựa
Nhà thiết kế huyền thoại người Ý Bertone gần đây đã ra mắt siêu xe GB110 vào cuối năm 2022. Nhìn chung, đây là mẫu xe có thiết kế đẹp mắt, công suất 1.100 mã lực và số lượng sản xuất hạn chế.
Tuy nhiên, điểm độc đáo nhất của GB110 là khả năng chạy bằng nhiên liệu từ rác thải nhựa. Nhờ sự hợp tác với Select Fuel, động cơ đốt trong của ô tô được thiết kế để sử dụng nhiên liệu ít carbon, một công nghệ có thể giúp các phương tiện ICE quen thuộc hiện tại trở nên thân thiện với môi trường hơn. Select Fuels xử lý rác thải nhựa ở nhiều dạng khác nhau và chuyển đổi trở lại thành nhiên liệu hóa dầu, từ đó có thể sử dụng nhiên liệu này để đổ đầy bình xăng của ô tô tại trạm xăng, giống như xăng hoặc dầu diesel thông thường.
Biến nhựa cũ từ một vấn đề tồn đọng thành hàng hóa sẽ mang lại tiềm năng rất lớn, nhưng hiện tại, nó vẫn là một hoạt động quy mô tương đối nhỏ (trong đó Bertone là một trong những đối tác sớm nhất của dự án). Vì vậy điều quan trọng là cần phải mở rộng quy trình để loại nhiên liệu này có thể sử dụng được cho bất kỳ chiếc xe chở khách chạy bằng khí đốt nào.
8. Lốp ô tô không hơi của Michelin
Không giống như hầu hết các chi tiết khác trên những chiếc xe bốn bánh, lốp ô tô hầu như không thay đổi kể từ khi ra đời. Cấu trúc chứa đầy không khí của lốp ô tô hiện tại tuy vẫn đang hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng khiến chúng dễ bị thủng và nổ. Để khắc phục tình trạng này, nhiều nhà sản xuất phụ tùng xe đã nỗ lực thử nghiệm các công nghệ mới để tìm ra cấu trúc nâng cấp cho những chiếc lốp, nhưng cho đến nay mới chỉ có Michelin là nhà sản xuất duy nhất đạt được đến bước thử nghiệm những chiếc lốp mới trên đường.
Vào đầu năm 2023, những chiếc lốp không hơi đầu tiên đã được trang bị cho một số phương tiện giao hàng của DHL tại Singapore, với mục đích cung cấp cho Michelin thêm dữ liệu về độ mòn thực tế của lốp xe trước khi bán chúng cho khách hàng.
Phần bên trong độc đáo của lốp xe được làm bằng nhựa gia cố bằng sợi thủy tinh và có thể lái qua các gai nhọn cũng như địa hình gồ ghề mà không có nguy cơ bị thủng. Michelin tuyên bố công nghệ này gần như đã sẵn sàng cho các phương tiện chở khách và gần đây đã tiến hành thành công các thử nghiệm tốc độ cao để xác định độ bền của lốp xe theo yêu cầu của một số lực lượng cảnh sát châu Âu.
9. Hệ thống treo giúp xe nhún nhảy của BYD
BYD đã tiết lộ công nghệ mới cực kỳ ấn tượng của mình: hệ thống treo ô tô có thể điều chỉnh hoàn toàn. Trong video giới thiệu về công nghệ này, siêu xe Yangwang U9 được trang bị hệ thống treo có thể nhún nhảy theo nhạc và thậm chí còn di chuyển một cách dễ dàng chỉ với ba bánh xe. Đoạn video giới thiệu trông khá giải trí nhưng các ứng dụng thực tế của công nghệ này lại có thể hữu ích hơn rất nhiều.
Khả năng điều chỉnh hệ thống treo của ô tô khi đang di chuyển có thể giúp những ô tô gầm thấp vượt qua chướng ngại vật, khúc cua và ổ gà trên đường, giảm nguy cơ gây hư hỏng cho ô tô trên những con đường gồ ghề hơn mà không ảnh hưởng đến động lực lái xe ở độ dốc thấp.
Tương tự như vậy, người điều khiển các phương tiện lớn hơn như SUV sẽ có thể tận hưởng các lợi ích khí động học liên quan đến chiều cao xe thấp hơn, nâng cao hiệu quả mà không phải hy sinh khả năng vượt mọi địa hình của ô tô. Lái xe thiếu bánh cũng có thể rất hữu ích trong trường hợp lốp bị xẹp (tất nhiên là giả sử Michelin chưa thuyết phục được mọi người mua lốp không hơi vào thời điểm đó).
Hệ thống treo thủy lực đầy ấn tượng của BYD sẽ được ra mắt dưới dạng sản xuất trong chiếc SUV Yangwang U8 sắp tới, nhưng cho đến nay, không có kế hoạch cho bất kỳ hệ thống tương tự nào trên những chiếc xe được bán bên ngoài Trung Quốc.
10. Nóc xe ô tô tích hợp pin năng lượng mặt trời của Fisker
Một công ty ô tô của Mỹ có tên Fisker đã thử nghiệm gắn các tấm pin mặt trời trên chiếc SUV Ocean của mình, đồng thời tuyên bố trang bị này có thể cung cấp phạm vi hoạt động bổ sung lên tới 1.500 dặm (khoảng 2.400 km) một năm ở vùng khí hậu đầy nắng, với khả năng tăng gấp đôi con số đó khi công nghệ được tập trung phát triển thêm.
Người Mỹ trung bình lái xe 13.476 dặm (khoảng 21.700 km) một năm, vì vậy thành tích 1.500 dặm hiện tại sẽ chỉ cung cấp hơn 10% phạm vi đó. Tuy nhiên, nếu công nghệ được cải thiện theo đúng kỳ vọng của Fisker thì loại trang bị này sẽ trở nên đáng sở hữu hơn rất nhiều trên các mẫu xe điện tương lai.
HA (tổng hợp)