Góc nhìn

“Những cơn gió tạt ngược” lịm dần

NHẬT MINH 29/10/2023 07:30

Cuối tháng 10 này, “những cơn gió tạt ngược” đang “lịm dần” bởi “sức nóng” của chính luận, của công lý...

img3607-16943443032282145913971.jpg
Lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam hồi tháng 9/2023. Ảnh: VGP

Thời gian gần đây, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống thứ 46 Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden (từ ngày 10 - 11/9) theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tạo ra cơn “địa chấn” truyền thông trên khắp thế giới.

Trong cơn lốc truyền thông ấy, chúng ta không hiếm gặp “những cơn gió tạt ngược” lại dòng chủ lưu dư luận, phản ánh sai bản chất sự kiện. Nhiều trang cá nhân trên các nền tảng buông những lời lẽ kiểu hậm hực rằng, Hoa Kỳ đừng nên quan hệ với Việt Nam, rằng Hoa Kỳ cần đưa ra yêu sách buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi chế độ mới nâng cấp quan hệ hoặc châm chọc rằng, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ là “theo phe này, chống phe kia”...

Có thể nói, đây là thời gian mà các thế lực thù địch tranh thủ lợi dụng thông tin hot để thi triển những luận điệu cũ mòn nhằm ngăn cản chuyến thăm, tác động vào chuyến thăm, bịa đặt nói xấu, bôi nhọ, gây nên sự nhiễu loạn thông tin... đến cả Mỹ và Việt Nam. Thậm chí, chúng còn bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Việt Nam và cả cá nhân Tổng thống Joe Biden cùng gia đình ông...

Nhưng công bằng mà nói, tới thời điểm cuối tháng 10 này thì “những cơn gió tạt ngược” đang “lịm dần” bởi “sức nóng” của chính luận, của công lý, của những thông tin chính thống về thực tế của Việt Nam đã trở thành dòng chủ lưu không thể phủ nhận.

Trước hết về ngoại giao, cần khẳng định rằng kết quả chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam với tuyên bố nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện được truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin, thậm chí ngay cả những đài báo xưa hay chọc ngoáy, nói xấu Việt Nam cũng phải lên tiếng ca ngợi, thừa nhận.

Về chính trị, một lần nữa khẳng định Mỹ và Việt Nam vượt qua tất cả những khác biệt, bất đồng, từ đối đầu tới hợp tác, từ cựu thù thành bạn bè mà nói như Tổng thống Joe Biden tại Đại hội đồng Liên hợp quốc là: “... Không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất".

Về kinh tế, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, các hoạt động đối ngoại khác đã tạo dựng niềm tin dẫn tới hàng loạt các doanh nghiệp, tập đoàn của các đối tác tới Việt Nam tìm hiểu và quyết định đầu tư với các hợp đồng lên tới hàng tỷ đô.

Về quân sự, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam đều thể hiện rõ quan điểm kiên định chính sách quốc phòng "4 không": Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Với các nỗ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua, Trưởng Đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi mới đây còn nhấn mạnh: "Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là trong một khoảng thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng, nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi".

Từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, có thể khẳng định, đường lối ngoại giao của Việt Nam đã được Đảng ta xác định "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực.

Nhờ nghệ thuật ngoại giao mà chúng ta đã không vướng vào các cuộc xung đột, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Uy tín của Việt Nam ngày càng nâng lên, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Những kết quả có thể cân đong đo đếm được đó chính là thực tiễn không thể phủ nhận, tự bản thân nó trở thành dòng chủ lưu để thế giới thừa nhận, thực sự trở thành công cụ là “cái đẹp” dẹp “cái xấu”, khiến cho “những cơn gió tạt ngược” tự mình thấy lạc lõng, tự mình thấy không còn mấy tác dụng mà “lịm dần”.

NHẬT MINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Những cơn gió tạt ngược” lịm dần