Những nhánh đường nội đồng phẳng lì, rộng rãi được đổ bê tông như dải lụa vắt ngang cánh đồng trồng vải thiều đã giúp người dân Thanh Hà đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn trong mùa thu hoạch.
Con đường ở thôn Bá Nha, xã Thanh Quang mới hoàn thiện trước mùa thu hoạch vải
Chung sức làm đường
Để chuẩn bị cho mùa thu hoạch vải, giữa tháng 5, hơn 40 chủ vườn vải thuộc thôn Vĩnh Xá (xã Thanh Cường) tập trung làm đường. Anh Vũ Văn Phưởng cho biết gia đình có gần 1 mẫu vải cho thu hoạch vào cuối tháng 5. Khi thôn phát động phong trào làm đường, các hộ đều thống nhất cao, gác lại mọi việc, ưu tiên làm đường cho xong trước mùa thu hoạch. “Nhiều năm đi lại vất vả, phong trào làm đường được thôn phát động đúng lúc các hộ cũng có ý định cùng nhau làm nên ai cũng ủng hộ, nhiệt tình tham gia”, anh Phưởng nói.
Làm đường giao thông nội đồng thời điểm này không còn được hỗ trợ xi măng, các hộ vừa hiến đất vừa đóng góp thêm kinh phí nhưng ai cũng vui vì mùa vải này việc vận chuyển, thu hái sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Chỉ tính trước khi bước vào mùa thu hoạch vải, nông dân thôn Vĩnh Xá đã đổ bê tông 1,5 km đường nhánh đi qua vườn vải của gần 300 hộ. Từ những con đường đất được bồi đắp từ lâu, đến nay tuyến nào cũng rộng từ 1,8 m trở lên. Ngoài kinh phí làm đường, ai cũng có trách nhiệm đóng góp ngày công để sớm hoàn thiện con đường.
Ngay từ đầu năm 2023, phong trào làm đường nội đồng ở xã Thanh Quang đã sôi nổi. Không chỉ đóng góp đầy đủ kinh phí làm đường mà gia đình bà Phạm Thị Huệ (ở thôn Bá Nha) còn tích cực vận động các hộ xung quanh ứng kinh phí làm đường vào vườn vải. Bà Huệ nói: “Ở đây chúng tôi trồng vải sớm là nhiều, trà vải này thường có giá bán cao. Sau mỗi mùa thu hoạch, chúng tôi thường bàn bạc với nhau về làm đường để mùa sau đi lại đỡ vất vả. Năm nay, nhiều đoạn đường vào vườn vải đã được đổ bê tông rộng rãi”.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Thanh Hà đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông liên xã, kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các xã, thị trấn và nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng để cải tạo, mở rộng đường nội đồng, hiến gần 9.000m2 đất. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn kiên cố trong toàn huyện đạt 91%. Toàn huyện có hơn 148 km đường ra đồng, 99% đã được đổ bê tông xi măng; hơn 531 km đường nội đồng đã đổ bê tông xi măng được hơn 80%.
Niềm vui ngày mùa
Giờ đây về miền quê vải Thanh Hà, tiểu thương, du khách không lo đường lầy lội, lấm lem như trước. Đường vào vùng vải thênh thang, rộng mở. Nhiều tuyến nội đồng rộng, xe ô tô có thể vào tận vườn thu mua vải.
Ông Nguyễn Huy Bảy (ở thôn Lĩnh Hoàng, xã Thanh Quang) không giấu nổi niềm vui khi vụ vải năm nay vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn mọi năm. “Đường sá đẹp, mùa vải tôi còn mời được bạn bè về chơi, tham quan vườn. Trước đây đường nhỏ, hai bên đường um tùm cỏ, mình ra vườn còn ngại, không dám mời bạn bè về thăm”, ông Bảy nói.
Huyện Thanh Hà hiện nay không còn nhiều đất lúa, chủ yếu là đất trồng cây ăn quả lâu năm. Việc làm đường giao thông nội đồng tạo môi trường khang trang, sạch sẽ ở khắp các địa phương. Đặc biệt, huyện đang hình thành khu du lịch sinh thái sông Hương, giao thông phát triển cũng là một lợi thế thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm thu hái trái cây ở vùng quê trù phú này.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tuyên truyền, vận động nhân dân làm đường, cải thiện điều kiện sản xuất, đi lại. Với thế mạnh trồng cây ăn quả (chủ yếu vải sớm hơn 700 ha) nên nhân dân Thanh Quang đã chủ động làm đường nội đồng. Sau mỗi mùa thu hoạch vải, số tuyến đường nội đồng đổ bê tông ngày càng nhiều. Đến nay, 100% số tuyến đường ra đồng trên địa bàn xã đã đổ bê tông, hơn 95% số tuyến đường nội đồng được kiên cố. Nhờ đường được mở ngày một rộng rãi, khang trang nên thương lái dần đặt điểm cân vải nhỏ vào tận thôn, xóm để tiện hơn cho việc tiêu thụ, giảm áp lực giao thông ven đường 390.
MINH NGUYÊN