Hải Dương đã qua 19 ngày không có ca bệnh Covid-19 mới. Đây là tín hiệu tốt cho thấy đợt dịch thứ ba sắp được đẩy lùi hoàn toàn.
Cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường với nhiều người, nhưng sự cảnh giác với Covid-19 thì vẫn còn đó.
Cho đến nay, việc nữ công nhân người Chí Linh được phát hiện mắc Covid-19 tại Nhật Bản đã lây từ đâu vẫn là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ. Có thể các ngành chức năng đã biết câu trả lời nhưng chưa công khai, cũng có thể vẫn chưa tìm được nguồn lây ban đầu.
Trước khi có ca bệnh đầu tiên của đợt dịch thứ ba, Hải Dương đã gần 5 tháng không có ca mắc trong cộng đồng. Sự chủ quan, lơ là phòng dịch ở một số địa phương, doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta trở tay không kịp, để dịch bùng phát rộng sau đó. Giờ đây khi đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, cần nhìn lại cả quá trình chống dịch, giải đáp nhiều vấn đề từ thực tiễn, từ đó có giải pháp đồng bộ, không cho dịch quay trở lại.
Ngoài việc tìm ra nguồn lây của ca bệnh đầu tiên để biết lỗ hổng trong công tác phòng dịch, một vấn đề nữa cần quan tâm là nghiên cứu để hiểu rõ hơn về chủng virus mới từ Anh mà các ca bệnh người Hải Dương đã mắc. Chỉ có nắm chắc cơ chế lây lan, độc lực của virus, làm rõ sự khác biệt của các chủng virus mới có thể đưa ra cách đối phó với dịch phù hợp. Đây là việc làm của các nhà khoa học mà Hải Dương, với tư cách là vùng tâm dịch sẽ phối hợp hỗ trợ việc nghiên cứu này.
Cũng từ cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta cần xem lại các kịch bản ứng phó với dịch mà mình đã xây dựng trước đó để bổ sung các tình huống mới phù hợp. Đó là việc chủ động bố trí nơi cách ly trong trường hợp có hàng nghìn đối tượng F1. Đó là việc chủ động các phương án thuê máy móc, phương tiện, bố trí nguồn nhân lực phục vụ công tác xét nghiệm khi số lượng mẫu cần làm vượt quá khả năng đáp ứng của tỉnh; phương án điều trị khi lượng bệnh nhân lớn hơn đợt dịch thứ 3 này. Thậm chí, xây dựng cả phương án phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch kéo dài...
Ngay lúc này, khi đang trong trạng thái bình thường mới, các địa phương cũng cần duy trì hoạt động của các tổ "Covid cộng đồng", "An toàn Covid" sao cho hiệu quả, tránh hình thức. Đặc biệt, cần có biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động cách ly người từ nước ngoài nhập cảnh vào địa phương, nhất là với người nước ngoài đến Hải Dương làm việc. Mới đây Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã đưa ra yêu cầu áp dụng biện pháp cách ly tập trung và xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh. Sau khi hoàn thành cách ly y tế tập trung 14 ngày, người nhập cảnh nếu tiếp tục sinh sống, lao động, làm việc tại Hải Dương thì phải cách ly thêm 7 ngày tại doanh nghiệp hoặc nơi lưu trú/tạm trú. Giám sát chặt chẽ việc cách ly của đối tượng này là việc làm hết sức quan trọng bởi khi dịch bệnh được đẩy lùi thì nguồn lây chủ yếu của chúng ta chính là từ người nhập cảnh.
Hải Dương đã yêu cầu công nhân người tỉnh khác khi quay trở lại làm việc tại Hải Dương phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được đi làm. Vấn đề là với người tỉnh ngoài, nước ngoài đến Hải Dương làm việc trong ngày rồi rời đi, có phải mang theo kết quả xét nghiệm âm tính không cũng là câu hỏi cần trả lời. Rất có thể những người này cũng sẽ là nguồn lây, nếu các địa phương, doanh nghiệp không thực hiện tốt 5K của Bộ Y tế thì việc lại có một Poyun thứ hai rất dễ xảy ra.
Dịch rồi sẽ hết nhưng không để dịch quay lại mới là vấn đề quan trọng lâu dài.
HOÀI ANH