Nhiều nhà đầu tư thu tiền của người dân nhưng chậm giao nhà, đất dẫn đến hậu quả người mua chịu thiệt.
>> Bài 1: Bát nháo phân lô bán nền trái phép
Không chỉ bát nháo tình trạng doanh nghiệp nhỏ lẻ trong cơn xoáy lợi nhuận đất đai đã vẽ "dự án ma", phân lô bán nền thu lợi bất chính mà ngay cả một số công ty lớn hoạt động và có trụ sở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng làm ăn mất uy tín khi chưa hoàn thiện pháp lý đã thu tiền khách hàng, hoặc nhiều năm triển khai dự án không hoàn thành, chưa bàn giao chủ quyền đất ở cho khách hàng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua.
Nhiều nhà đầu tư bị lừa do mua phải các "dự án ma"
Chưa có pháp lý đã mở bán
Gần 20 năm nay, nhiều người mua nền đất tại dự án khu dân cư Trường Thịnh do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng Trường Thịnh làm chủ đầu tư với quy mô gần 3 ha tại phường Bình An, Quận 2, TP Hồ Chí Minh chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tiến hành xây dựng nhà ở.
Đây là dự án thành phần của dự án Bình Trưng Đông Cát Lái quy mô 154 ha do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính, được giao đất từ năm 2001.
Do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận chậm triển khai đường giao thông chính nên đến năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất cho công ty này. Dự án thành phần là Khu dân cư Trường Thịnh đã được UBND quận 2 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhưng đến nay chủ đầu tư đang làm thủ tục để được công nhận chủ đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính nên vẫn chưa thể bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng.
Đối với dự án này, Thanh tra TP Hồ Chí Minh từng thanh tra và chỉ ra sai phạm về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc hợp tác đầu tư dự án.
Trong khi đó, tại quận 8, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Phú Gia là chủ đầu tư dự án chung cư Phương Việt 2 (tên giao dịch là The Pegasuite II, đường Tạ Quang Bửu). Tại dự án này, một số khách hàng mua căn hộ, đóng tiền trong khi chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định.
Trong thông báo gửi khách hàng, đại diện Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Phú Gia cho biết lý do chậm trễ trong việc ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng là do dự án bắt đầu triển khai các thủ tục pháp lý. Cụ thể tháng 8.2017, chủ đầu tư có tờ trình đề nghị được chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư. Đến tháng 5.2018, UBND TP Hồ Chí Minh mới chấp thuận công nhận chủ đầu tư.
Đến tháng 4.2019, dự án mới được duyệt thẩm định thiết kế cơ sở điều chỉnh. Sau nhiều lần điều chỉnh, tháng 7.2019, chủ đầu tư mới được UBND TP Hồ Chí Minh cấp quyết định chủ trương đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục nộp hồ sơ để thẩm định thiết kế kỹ thuật tại Bộ Xây dựng.
Thế nhưng trước đó, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Phú Gia đã “cầm đèn chạy trước ô tô” khi vào ngày 19.1.2018, đại diện công ty này ký hợp đồng 37/PAD/HDDC/PG2/2018 đặt cọc mua bán căn hộ tại dự án nói trên với bà Phạm Khánh Diệp với số tiền 457 triệu đồng.
Theo điều khoản hợp đồng này, sau 12 tháng, chủ đầu tư phải ký hợp đồng mua bán (chuyển từ hợp đồng đặt cọc sang hợp đồng mua bán) nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Tổng cộng bà Phạm Khánh Diệp đã đóng gần 1,9 tỷ đồng nhưng đến nay, “mặt mũi” căn hộ không thấy đâu. Chủ đầu tư cũng chưa hoàn tiền cho bà Phạm Khánh Diệp.
Ngổn ngang dự án King Bay
Liên quan đến vụ án Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út trọc, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, ra lệnh bắt tạm giam một số bị can là lãnh đạo của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng công ty Cửu Long), trong đó, có ông Dương Tuấn Minh, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long.
Dưới thời ông Dương Tuấn Minh, mặc dù hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng, giao thông nhưng Tổng công ty Cửu Long (thuộc Bộ Giao thông vận tải, trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) còn tham gia vào dự án nhà ở. Do không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm nên để xảy ra câu chuyện lòng vòng mua bán cổ phần, chuyển dự án từ doanh nghiệp sở hữu 100% vốn Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân, dẫn đến nguy cơ mất vốn Nhà nước.
Tổng Công ty Cửu Long được Bộ Giao thông vận tải giao huy động vốn làm dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc bàn tỉnh Đồng Nai được huy động từ vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển Hàn Quốc (EDCF).
Do ngân sách hạn hẹp, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất chủ trương dùng quỹ đất 125ha xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để tạo nguồn vốn và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ của dự án mà doanh nghiệp ứng tiền bỏ ra thực hiện giải phóng mặt bằng (theo hình thức BT).
Để triển khai dự án, Tổng công ty Cửu Long hợp tác với Tổng công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico (gọi tắt là Công ty Na Rì Hamico) thành lập liên danh theo tỷ lệ góp vốn như sau: Công ty Na Rì Hamico góp vốn 90% bằng tiền mặt, Tổng Công ty Cửu Long góp 10% bằng thương hiệu và chi phí quản lý dự án.
Do trong diện tích 125 ha có 66,5 ha là đất trồng lúa, tháng 5.2014, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa này để tỉnh Đồng Nai làm cơ sở thỏa thuận địa điểm và triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Trong khi chưa có ý kiến cho phép chuyển đổi đất lúa của Thủ tướng Chính phủ, tháng 8/2014, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương và thỏa thuận địa điểm cho liên danh Tổng Công ty Cửu Long – Tổng Công ty Na Rì Hamico lập thủ tục đầu tư dự án khu dân cư 125 ha Long Tân.
Đến tháng 7.2016, UBND tỉnh Đồng Nai duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư 125 ha Long Tân với các sản phẩm đất nền biệt thự, nhà liên kế, chung cư cao tầng… do Công ty cổ phần Ngũ Long Tân làm chủ đầu tư. Trong khi đó, phải đến 1 năm sau, vào tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 911/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu nhà ở, khu dân cư 125 ha Long Tân.
Về góc độ doanh nghiệp tham gia dự án, liên danh Tổng Công ty Cửu Long – Tổng Công ty Na Rì Hamico thành lập Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân, trụ sở tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó cổ đông sáng lập là Tổng Công ty Na Rì Hamico và ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long cùng một số cá nhân khác.
Tháng 7.2015, Tổng Công ty Na Rì Hamico xin rút khỏi liên danh vì khó khăn tài chính. Tổng Công ty Cửu Long đồng ý và chỉ đạo Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập. Bà Vũ Minh Lý làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân, sở hữu 50% cổ phần công ty.
Đến tháng 12.2016, Công ty CP Ngũ Long Tân đăng ký thay đổi lần thứ 7 Giấy đăng ký doanh nghiệp, đổi tên thành Công ty CP Free Land với vốn điều lệ 1.087 tỷ đồng, trụ sở đặt tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh do bà Vũ Minh Lý làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ đây, dự án khu dân cư 125 ha Long Tân từ chủ đầu tư là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước đã rơi vào tay công ty tư nhân thông qua việc góp vốn, rút vốn, bán cổ phần lòng vòng.
Trong báo cáo số 2067/CIPM-HĐTV gửi Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng thành viên Tổng công ty Cửu Long nêu rõ: “Bà Vũ Minh Lý, Giám đốc Công ty Ngũ Long Tân cho rằng, Tổng Công ty Cửu Long không phải là cổ đông sáng lập của Công ty Ngũ Long Tân và cũng không có nghĩa vụ, quyền lợi cổ đông. Bản thân ông Dương Tuấn Minh, người đại diện phần vốn của của Tổng công ty Cửu Long tại Công ty Ngũ Long Tân khẳng định, sau khi chấm dứt đề nghị thuê thương hiệu, Tổng Công ty Cửu Long không có tên trong danh sách cổ đông sáng lập Công ty Ngũ Long Tân, không còn quyền lợi và nghĩa vụ với Công ty Ngũ Long Tân”.
Tháng 10.2015, ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cửu Long rút tên ra khỏi danh sách cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân, thay bằng tên ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh sở hữu cổ phần có giá trị 30 tỷ đồng.
Hội đồng thành viên Tổng công ty Cửu Long cho rằng, việc góp vốn của Tổng Công ty Cửu Long do ông Dương Tuấn Minh thực hiện vào Công ty Ngũ Long Tân có nhiều bất minh, không báo cáo Hội đồng thành viên Tổng Công ty, Bộ Giao thông Vận tải chưa chấp thuận chủ trương. Tổng công ty Cửu Long có thể đã bị lợi dụng uy tín, thương hiệu để phục vụ cho lợi ích một số cá nhân, tập thể.
Như vậy, quyền lợi của Tổng Công ty Cửu Long với tư cách doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước có được đảm bảo hay không trong quá trình tham gia góp vốn, rút cổ phần tại dự án khu dân cư 125 ha Long Tân. Điều này cần được cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, xác minh làm rõ.
Hiện nay, dự án khu dân cư 125 ha Long Tân được đổi thành tên thương mại là King Bay, đã và đang được rao bán rầm rộ các nền đất biệt thự ven sông, nhà liền kế. Theo phản ánh của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong khi chưa hoàn tất đền bù mặt bằng, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng, kè bờ ngay trên đất của người dân.
Đây là dự án nhà ở thương mại nên chủ đầu tư phải tự thương lượng đền bù giá đất với người dân khi thu hồi đất làm dự án nhưng chính quyền lại tham gia thu hồi và áp giá đền bù thấp, dẫn tới khiếu nại, tranh chấp. Vì thế, đến nay, dự án 125 ha Long Tân vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi mua sản phẩm của dự án.
Theo TTXVN
Bài cuối: Xây dựng thị trường nhà đất lành mạnh