Tác giả - Tác phẩm

Như thế cũng là hạnh phúc!

N.T.B 14/12/2023 14:00

Hạnh phúc thật đơn giản nhưng không hề giản đơn- rất bình thường nhưng không tầm thường. Hãy biết gìn giữ, nâng niu, trân trọng.

Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc

Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc
Một ánh nhìn em tin cậy thiệt thà
Một ngón tay chạm vào nhau bất chợt
Một quá khứ đau thương nhưng dư vị đậm đà

Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc
Sáng nay đến bên em anh lại được ngả đầu
Lên vồng ngực phập phồng như sóng biển
Cứ dịu dàng hóa giải hết thương đau.

HỒNG THANH QUANG

Nếu hỏi hạnh phúc là gì, chắc hẳn bao nhiêu người được hỏi sẽ có bấy nhiêu cách trả lời khác nhau. Hạnh phúc có thể là cái gì đó thật to tát, vĩ đại, thiêng liêng. Nhưng hạnh phúc có khi chỉ là những cái rất cụ thể, thiết thực như cơm ăn, nước uống hằng ngày.

Trong cuộc chiến tranh, hạnh phúc được hiểu là sự cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong thời bình, hạnh phúc có thể chỉ là sự ấm no về vật chất và đầy đủ về tinh thần. Hoặc nói một cách đơn giản hơn, với nhiều người, hạnh phúc là được nhận về mình những gì tốt đẹp, may mắn… Ở nhiều trường hợp, hạnh phúc chỉ là nhu cầu được đem đến cho người mình yêu những gì tốt đẹp nhất… Nhưng cũng có một cách hiểu khác về hạnh phúc đơn giản hơn, dễ hiểu hơn, đó là cách hiểu của nhà thơ Hồng Thanh Quang trong bài thơ: “Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc”.

“Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc”, cái điệp khúc quen thuộc ấy vừa là tiêu đề bài thơ, vừa được tác giả chọn làm đề tài “tranh luận” cho cả bài thơ và cho mỗi khổ thơ. Điều đó, thoạt nghe ta dễ lầm tưởng tác giả đang “tranh luận” hùng hồn với ai đó về hạnh phúc. Nhưng đọc kĩ lại bài thơ, ta chợt hiểu nhà thơ đang nói với chính mình và tự nhủ với lòng mình: “Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc…”

“Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc”, cách nói phủ định để khẳng định cho một quan niệm khá mới mẻ về hạnh phúc: Hạnh phúc đâu cần nhiều nhặn, to tát, cao sang gì? Nhiều khi đó chỉ là những cái rất cụ thể, nhỏ bé, đời thường mà ở đời người ta không chú ý, hoặc dễ bỏ qua. Tất cả được nhà thơ lượng hóa bằng số đếm khiêm tốn nhất: một và đằng sau cái số đếm ít ỏi ấy, không phải là những giá trị vật chất, không phải là những gì quá xa xỉ, khó kiếm tìm. Trái lại, nó rất cụ thể, không mất tiền mua. Đó là: “Một ánh nhìn em tin cậy thiệt thà/ Một ngón tay chạm vào nhau bất chợt/ Một quá khứ đau thương nhưng dư vị đậm đà”.

Những điều Hồng Thanh Quang nói về hạnh phúc không lạ, có thể ta vẫn lờ mờ cảm nhận được. Nhưng sao đọc lên, ta vẫn thấy giật mình? Hóa ra, hạnh phúc chỉ đơn giản thế thôi ư? Tác giả đã nói đúng, đã gọi đúng cái cốt lõi của hạnh phúc: đó là sự chân thành, tin cậy; sự đồng cảm và sẻ chia. “Một ánh nhìn em tin cậy thiệt thà”, chỉ đơn giản thế thôi mà ở đời mấy ai có được? Vậy nên, được đón nhận một ánh mắt tin cậy, thiệt thà tự phía em cũng là hạnh phúc! Một cử chỉ đụng chạm vụng về: Một ngón tay khẽ chạm nhau bất chợt, cũng là hạnh phúc. Thậm chí: “Một quá khứ đau thương nhưng dư vị đậm đà”, đó cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc là thế, rất cụ thể, dễ hiểu và đơn giản, tưởng như không thể đơn giản hơn. Vậy mà ở đời mấy ai đã gọi được tên, bắt được hình để mà tận hưởng, nâng niu, giữ gìn và trân trọng?

Khổ thơ thứ hai vẫn tiếp tục mạch đề tài: Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc. Nhưng ở khổ thơ này, nhu cầu về hạnh phúc được đẩy lên một cách thiết thực hơn, táo bạo hơn bằng hành động cụ thể, có chút lãng mạn, nhưng cũng rất đời thường của những người yêu nhau, muốn trao nhau tình yêu, hạnh phúc: “Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc/ Một sáng đến bên em anh lại được ngả đầu/ Lên vồng ngực phập phồng như sóng biển/ Cứ dịu dàng hóa giải hết thương đau".

Cũng chỉ là sự sẻ chia tìm về bình yên và hạnh phúc của những tâm hồn đồng điệu. Ở khổ thơ này, người thơ đã không ngần ngại bày tỏ khát khao hạnh phúc của mình bằng sự chủ động gần gũi giữa hai sinh thể một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn: “tới bên em”, chỉ là để “được ngả đầu lên vồng ngực phập phồng như sóng biển…” để tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào nơi em, từ chính sự dịu dàng của em. Dường như lúc này, mọi ngôn từ đều trở nên bất lực, chỉ còn lại một thứ ngôn ngữ đặc biệt đó là ngôn ngữ của tình yêu.

Không cầu kì to tát, không hề có yếu tố vật chất xen vào, tất cả chỉ là sự cảm nhận, sự giao hòa của tâm hồn với tâm hồn, của trái tim với trái tim. Đó là con đường đi đến hạnh phúc. Nhưng chính sự chân thành và dịu dàng mới là cơ sở, là chất kết dính bền vững của tình yêu, mới là ngọn nguồn của hạnh phúc. Đó là liều thuốc quý nâng đỡ tâm hồn, giúp con người ta “hóa giải hết thương đau” trong cuộc đời không phải không còn nhiều đau khổ.

Nào có cần gì nhiều cho hạnh phúc… Cách đặt vấn đề và lí giải vấn đề của nhà thơ Hồng Thanh Quang thật nhẹ nhàng, giản dị và dễ chấp nhận: Hạnh phúc không cao siêu, xa vời, mà trái lại rất cụ thể và thiết thực. Hạnh phúc thật đơn giản nhưng không hề giản đơn- rất bình thường nhưng không tầm thường. Hãy biết gìn giữ, nâng niu, trân trọng.

N.T.B
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Như thế cũng là hạnh phúc!