Bài thơ “Con nghĩ về mẹ” có đầu đề rất bình dị với lối tự sự chân tình đã đưa ta trở về với bao ký ức thôn quê, đồng áng mà mẹ là hạt nhân lung linh luôn tỏa sáng.
CON NGHĨ VỀ MẸ
Mưa nắng chằm vào đời mẹ
chiếc nón ca dao che chở những lở bồi
con nghe khi cánh đồng trở dạ
mấy lứa phù sa hon hỏn bên trời
Con biết chứ ngổn ngang mây bão
thắt ruột bốn phương, mẹ lưu một chốn về
gieo cổ tích, nắng lên, hoa thành gạo
gồng gánh núi non mộc miên đỏ dầm dề
Là mẹ đấy, bao lần con rong ruổi
vui xứ người quên đom đóm bay ra
mẹ im lặng bậc thềm mòn ngồi đợi
những bước chân lẫm chẫm thuở dưa cà
Là mẹ đấy, chẳng hùng hồn diễn thuyết
túi ba gang đựng cau chát, trầu cay
ru bát ngát bằng nhấp nhô tiếng Việt
bát ngát ngủ rồi mẹ buộc gió vào cây
Là mẹ đấy, người đầu tiên nhức nhối
khi chúng con lỡ mắc phải lỗi lầm
nước mắt ướt vạt chiều mẹ gọi
con lại về dụi mắt khói hoàng hôn
Hạnh phúc ư, là lòng ta đầy mẹ
trong cuộc đời vốn dĩ đã héo, tươi
hạnh phúc ư, là sau bao dâu bể
giữa quê nhà con cất tiếng Mẹ ơi!
NGUYỄN HỮU QUÝ
Nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý ngoài những bài thơ viết về chiến tranh về Trường Sơn khá thành công, có một mảng thơ viết về mẹ khá xúc động. Sinh ra ở miền đất gió Lào cát trắng nghèo khó Quảng Bình nên hơn ai hết, ông thấm thía nỗi gian truân vất vả bao hy sinh nhọc nhằn của mẹ.
Bài thơ “Con nghĩ về mẹ” mang đầu đề rất bình dị với lối tự sự chân tình đã đưa ta trở về với bao ký ức thôn quê, đồng áng mà mẹ là hạt nhân lung linh luôn tỏa sáng phẩm chất hiếm có của người phụ nữ Việt Nam: trung hậu, đảm đang và thủy chung tình nghĩa. Thơ Nguyễn Hữu Quý thấm nhuần phong vị của ca dao, dân ca qua những hình ảnh ví von giàu hình tượng, liên tưởng nhưng lại rất gần với cách cảm, cách nghĩ, cách nói của người dân. Đó chính là: “Chiếc nón ca dao che chở những lở bồi” mà “Mưa nắng chằm vào đời mẹ”. Câu thơ mở ra một không gian thân thiết đã gắn bó với mẹ đó là cánh đồng. Chính mẹ gặt hái cánh đồng và cánh đồng cũng "gặt hái" mẹ, gặt hái tuổi mẹ, gặt hái sức lực mẹ.
Và mẹ đã: “Gieo cổ tích, nắng lên, hoa thành gạo/ gồng gánh núi non mộc miên đỏ dầm dề”. Mộc miên là hoa gạo cái tên hoa gắn với một loại lương thực chính nuôi sống con người. Màu đỏ của hoa gạo bời bời như một niềm tin trong miếng trầu bầm dập. Hoa gạo là chứng nhân của làng để: “Thắt ruột bốn phương, mẹ lưu một chốn về”. Nhịp điệu bài thơ bỗng chuyển nhịp cung bậc khác như là một sự đối đáp, tự vấn khi nhà thơ ba lần ở ba khổ thơ tiếp nhấn mạnh “Là mẹ đấy” như là một sự tôn vinh, một niềm tự hào, điểm tựa tinh thần cho mình với những chi tiết hình ảnh chọn lọc khắc họa rõ nét chân dung của mẹ. Đó là: “Mẹ im lặng bậc thềm mòn ngồi đợi/ những bước chân lẫm chẫm thuở dưa cà” của đứa con quen “rong ruổi", khi: “Vui xứ người quên đom đóm bay ra”. Mẹ biết chờ đợi bởi mẹ tin ở con mình, đứa con mẹ, hình hài máu thịt của mẹ.
Và là một phát hiện: “Là mẹ đấy, chẳng hùng hồn diễn thuyết/ túi ba gang đựng cau chát, trầu cay”. Ở đây nhà thơ khá tinh tế khi sử dụng những hình ảnh cổ tích của ngày xưa để nói cái ngày nay mà không cần ví von gì nhiều. Cứ thế, sự vận động cảm xúc tăng lên cấp độ mới, sắc thái mới và ân tình mới: “Là mẹ đấy, người đầu tiên nhức nhối/ khi chúng con lỡ mắc phải lỗi lầm/ nước mắt ướt vạt chiều mẹ gọi/ con lại về dụi mắt khói hoàng hôn”.
Có thể nói “Con nghĩ về mẹ” của Nguyễn Hữu Quý đã chạm được rưng rưng nỗi niềm của đáy lòng, của sự lay thức. Vì thế bài thơ có sự đồng cảm, giao cảm lại vừa bồi hồi bao xúc cảm. Mạch thơ tuyến tính như một câu chuyện kể bằng ký ức tâm hồn nhưng có những va chấn lay động để lại nhiều bâng khuâng day dứt. Để từ đó nhà thơ nhận ra bản chất hạnh phúc: “Hạnh phúc ư, là lòng ta đầy mẹ/ trong cuộc đời vốn dĩ đã héo, tươi/ hạnh phúc ư, là sau bao dâu bể/ giữa quê nhà con cất tiếng Mẹ ơi!”.
Tiếng gọi mẹ với nỗi niềm thổn thức thao thiết khép lại nhưng để mở ra bao lay gọi, bao ân tình của tiếng lòng, tiếng thơ khi “Con nghĩ về mẹ”.
NGUYỄN NGỌC PHÚ