Như đóa hướng dương

26/03/2021 20:16

Vượt qua nghịch cảnh, chị Phạm Thị Tâm, Bí thư Chi đoàn khu 13, phường Hải Tân (TP Hải Dương) luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, mang khát vọng tuổi trẻ để cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội. 


Chị Tâm tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương

Chịu khiếm khuyết vì di chứng chiến tranh nhưng chị Phạm Thị Tâm (sinh năm 1987), Bí thư Chi đoàn khu 13, phường Hải Tân (TP Hải Dương) luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chị Tâm là 1 trong 64 tấm gương của cả nước được vinh danh tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2020.

Nỗi buồn da cam

Dù gọi điện hẹn trước nhưng chúng tôi phải chờ khá lâu chị Tâm mới về. Đang là Tháng Thanh niên nên chị khá bận rộn. Từ đầu tháng trở lại đây, chủ nhật nào chị Tâm cũng tham gia ngày "Chủ nhật xanh" của Đoàn Thanh niên phường. Vừa dành thời gian tham gia công tác xã hội, chị vừa bán hàng online để có thêm thu nhập nên thường vắng nhà. Có khách đặt hàng là chị lại lấy chiếc xe ga cỡ nhỏ đi giao cho khách. Mùa nào thức ấy, thấy mọi người có nhu cầu là chị nhập hàng về bán. Những mặt hàng nhỏ nhẹ thì có thể ship một chuyến là xong nhưng vài khách trong phố đặt mua nhiều trái cây loại to nặng thì chị phải chia ra chở mấy chuyến mới hết. Bị vẹo cột sống, teo tay trái bẩm sinh nên năm nay 35 tuổi mà chị chỉ thấp như học sinh lớp 2. Sức khỏe không được tốt, hễ thay đổi thời tiết là ốm vặt nên muốn đi ra ngoài chị Tâm cũng cố gắng phải tránh nắng, tránh mưa...

"Tôi dặn cháu đi đâu cũng phải về trước giờ cao điểm cho an toàn", ngồi tiếp chuyện chúng tôi trên bộ sofa đã cũ, ông Phạm Công Thành trầm ngâm khi nói đến người con gái út của mình. Nhà nằm ngay bên đường tỉnh 391 nên mỗi lần con gái đi ra ngoài, ông lại thấp thỏm. Ông Thành là lính của Sư đoàn Sao Vàng, chiến đấu tại chiến trường Quân khu 5 trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. May mắn hơn các đồng đội khi được trở về sống trong hòa bình nhưng nỗi đau chiến tranh thì vẫn còn theo ông đến tận bây giờ. Vợ chồng ông sinh được ba người con. Người con gái đầu sinh ra đã không lành lặn, ở với bố mẹ được mấy ngày rồi ra đi. May thay người con trai thứ hai có sức khỏe bình thường, giờ đã trưởng thành, yên bề gia thất. Chẳng mảy may suy nghĩ, mãi đến khi sinh chị Tâm thì ông Thành mới biết mình nhiễm thứ chất độc chết người từ chiến trường. "Hồi ấy tôi có biết dioxin là gì đâu. Sinh em nó ra đã thấy có tật ở tay. Nuôi đến 5-6 tuổi vẫn chưa thấy rõ lưng thì đưa đi khám, bác sĩ kết luận em bị dị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam", ông Thành nhớ lại.

Suốt nhiều năm sau đó, vợ chồng ông Thành đưa con gái chạy chữa khắp các bệnh viện ở Hà Nội. Nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc tốt là vợ chồng ông đem con đến thăm khám với hy vọng chị Tâm sau này có được một cuộc sống bình thường. Thế nhưng hậu quả của thứ chất độc kia đã dập tắt mọi hy vọng của gia đình ông Thành. Từng tháng, từng năm nuôi con khôn lớn, điều mà vợ chồng ông Thành cảm thấy được an ủi và tự hào chính là nghị lực của cô con gái út. Những khiếm khuyết cơ thể dường như chỉ làm cô con gái bé nhỏ của ông càng trở nên mạnh mẽ hơn. Suốt những năm tháng tuổi thơ và cả khi trưởng thành, đối với gia đình ông, ngoài chiếc lưng gù thì con gái ông chẳng có gì khác bạn bè cùng trang lứa. 

Không để những dị tật cản bước, chị Tâm theo học hết cấp 1, cấp 2... rồi lên đến cao đẳng, liên thông học Đại học Thương mại Hà Nội. Suốt ba năm theo học tại Trường THPT Nguyễn Bình Khiêm (cũ) ở phố Tiền Phong (cùng TP Hải Dương), cách nhà 5-6 km nhưng chẳng mấy khi con gái ông nghỉ học. "Ngay từ nhỏ nó đã ham học hỏi và rất nghị lực. Ngày nào Tâm cũng dậy từ sớm, tự đạp xe đến trường. Đến khi học cao đẳng thì có vài bạn thấy vất vả quá nên thường đến đưa đón. Dù sức khỏe yếu nhưng Tâm luôn tự lập nên vợ chồng tôi cũng bớt lo nghĩ, vất vả", ông Thành chia sẻ.


Ngoài thời gian tham gia công tác xã hội, chị Tâm bán hàng online để có thêm thu nhập

Vượt qua nghịch cảnh

Người nhỏ thó trong chiếc áo Đoàn Thanh niên, chị Tâm vui vẻ ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Nói về cơ duyên đến với hoạt động Đoàn ở khu dân cư, chị mộc mạc chia sẻ: "Nhà ở ngay cạnh Nhà văn hóa khu nên mỗi dịp sinh hoạt hè tôi đều ra tham gia với các cháu cho vui. Dần dà rồi mình thấy đam mê, hòa vào phong trào ở địa phương lúc nào không hay". Nhờ nhiệt tình, gần gũi các em, các cháu mà chị Tâm được mọi người quý mến, tin yêu. Năm 2011, được sự động viên, tin tưởng của các cô, chú cán bộ và thanh niên ở khu, chị Tâm được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn khu 13, phường Hải Tân.

Trước đây, mới ra trường chị cũng đi làm nhưng công việc căng thẳng, sức khỏe hạn chế nên được gần 2 năm thì xin nghỉ hẳn để chuyên tâm với công tác Đoàn. Kể từ năm 2012 đến nay, chị Tâm liên tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn khu. Không chỉ là thủ lĩnh mà chị còn là người truyền cảm hứng trong các hoạt động Đoàn ở cơ sở và là tấm gương sáng cho thanh thiếu niên của khu. Từ một cô gái có phần tự ti, khép mình, chị Tâm cũng trở nên sôi nổi, tự tin hơn. Phong trào Đoàn ở khu cũng có nhiều chuyển biến tích cực, luôn là một trong những đơn vị đi đầu phường. Mỗi khi hè về, nhà chị Tâm lại xôn xao tiếng thanh thiếu niên đến luyện múa, luyện hát. Sức khỏe không cho phép, chị Tâm chọn những thanh niên có năng khiếu trong khu hướng dẫn, chỉ dạy các em nhỏ. Đọc bản báo cáo mà chị Tâm gửi chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức, chúng tôi khó có thể nhớ hết những thành tích mà Chi đoàn và cá nhân chị Tâm đã đạt được. "Thế mạnh của Chi đoàn tôi là hoạt động văn hóa, văn nghệ. Cứ tham gia hội thi ở phường thì giải nhất, giải nhì là trong tầm tay", chị Tâm tự tin chia sẻ.

Trong mọi hoạt động, phong trào của phường, của TP Hải Dương, chị Tâm đều tích cực, hết mình tham gia. Trong đợt chống dịch Covid-19 vừa qua, không quản ngại khó khăn, chị Tâm cũng đi trực chốt, hỗ trợ công tác xét nghiệm diện rộng... "Có chứng kiến các nhân viên y tế làm việc mới thấy họ vất vả thế nào. Tôi được phân công chỉ phụ giúp ban ngày mà về nhà ê ẩm hết người. Mệt thế nhưng vui vì mình được góp chút công sức cho công tác chống dịch của địa phương", chị Tâm nói.

Gần 2 năm nay, chị Tâm còn đảm nhiệm công việc Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu 13. Bản thân là người khuyết tật nên chị Tâm càng đồng cảm, thấu hiểu với những cảnh đời thiếu may mắn. Nói chuyện với chúng tôi, chị nhớ từng người có hoàn cảnh neo đơn, khuyết tật trong khu. "Mỗi khi gia đình nào gặp thiếu thốn, chúng tôi lại cùng các đoàn thể xã hội làm cầu nối để kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ họ vượt qua. Trong đợt dịch vừa qua, các hộ khó khăn cũng đều được hỗ trợ đến nơi, nơi chốn, không để ai bị thiếu thốn thực phẩm thiết yếu", chị Tâm chia sẻ.

Mấy năm trước, chị Tâm còn làm công việc phát thanh viên ở khu. Nhưng do thanh quản có vấn đề, giọng không được khỏe nên đành xin nghỉ. Suốt mười năm tham gia công tác xã hội, tuy vất vả nhưng nhiệt huyết đã ngấm vào máu, trở thành niềm đam mê khó bỏ đối với chị. Nói về dự định trong tương lai, chị Tâm bảo sức khỏe của bản thân còn đến đâu thì chị làm đến đó. Nếu sức khỏe cho phép thì chị còn đóng góp cho xã hội. "Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức làm tốt công việc mà tập thể tin tưởng giao cho. Đoàn thanh niên chắc không thể làm mãi nhưng Hội Chữ thập đỏ thì có lẽ tôi sẽ làm đến già", chị Tâm vừa cười, vừa nói.

Trong suốt cuộc trò chuyện với Tâm, điều khác biệt lớn nhất chúng tôi nhận thấy ở chị là lúc nào cũng thường trực nụ cười trên môi. Theo năm tháng, những điều trắc trở mà cuộc đời mang đến dường như cũng đã đầu hàng trước nghị lực và sự lạc quan, tự tin của chị. Như một đóa hướng dương, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chị Tâm luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hướng về ngày mai để mang về những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và xã hội.

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Như đóa hướng dương