Dịch vụ cho thuê trang phục đông khách dịp cuối năm bởi nhiều người cho rằng đi thuê tiết kiệm hơn.
Chiều 16/1, Nguyễn Nhung, 30 tuổi, ở quận Tây Hồ cùng ba đồng nghiệp đến một cửa hàng váy áo trên đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội tìm thuê trang phục cho buổi tiệc tất niên vào cuối tháng.
Nhung cho biết bản thân yêu cầu cao về quần áo, rất ngại mặc một bộ đồ đã chụp ảnh trước đó nên ưu tiên đi thuê. Giá mỗi lần thuê dao động 200.000-400.000 đồng một sản phẩm, trong khi nếu mua mới có thể lên đến vài triệu đồng do là hàng thiết kế.
"Mua mới rất phí phạm, còn thuê thì năm nào cũng có đồ đẹp lại không lỗi mốt", cô nói. Nhung cũng cho biết mỗi năm sẽ chọn một cửa hàng thuê đồ khác nhau để đa dạng mẫu mã.
Thuê váy dự tiệc cuối năm cũng là lựa chọn của Anh Thư, 28 tuổi, ở quận Cầu Giấy. Cô nói có những mẫu váy lên đến cả chục triệu đồng, nằm ngoài tầm với của người có mức lương công sở như cô.
"Tôi không thể chi vài triệu đồng mua một chiếc váy chỉ dành cho một buổi tối, giữ thì không mặc mà bán lại mất giá, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, công ty lại không có thưởng Tết", Thư nói.
Số người thuê trang phục dự tiệc cuối năm như Nhung và Thư có xu hướng gia tăng khoảng một tháng trước Tết. Theo khảo sát của phóng viên, hiện có hàng chục hội nhóm, dịch vụ cho thuê đầm dự tiệc, thanh lý váy dạ hội. Nhóm đông nhất có 70.000 thành viên, với khoảng 40 bài viết mới mỗi ngày, nội dung đều mong muốn thuê các mẫu váy dự tiệc cuối năm.
Chị Thu Thảo, quản lý một cửa hàng cho thuê thời trang thiết kế chính hãng tại phố Trần Quang Diệu, quận Đống Đa cho biết nhu cầu thuê váy dự tiệc, áo dài có xu hướng tăng sau tháng 7 âm lịch bởi đến mùa cưới. Tháng 12 âm lịch ghi nhận nhu cầu tăng cao nhất do các công ty tổ chức tiệc tổng kết.
"Trước dịch, nhu cầu thuê đồ dự tiệc cuối năm tăng gấp ba lần so với những tháng khác. Do ảnh hưởng của kinh tế, năm nay nhiều công ty không tổ chức tiệc tất niên nên số lượng thuê dự đoán chỉ tăng gấp đôi", nữ quản lý nói.
Trung bình mỗi ngày cửa hàng của chị Thảo phục vụ khoảng 40 khách, cuối tuần đông hơn. Với 300 mẫu váy dự tiệc, áo dài khác nhau, có thời điểm khách thuê hết gần 3/4 số sản phẩm, chủ yếu chọn các mẫu váy màu đen, trắng hoặc be. Giá dao động 200.000-600.000 đồng một lượt tùy từng mẫu.
Ngoài cửa hàng của chị Thảo, nhiều đơn vị cho thuê váy dự tiệc ở Hà Nội cũng bắt đầu nhộn nhịp vào dịp cuối năm. Khách hàng phần lớn là dân văn phòng.
"Chúng tôi thường khuyên khách đặt trước để có nhiều mẫu mã lựa chọn, tránh sát ngày mới thuê, khó có mẫu ưng ý", nhân viên một cửa hàng cho thuê trang phục ở quận Cầu Giấy nói.
Không chỉ ở Việt Nam, dịch vụ cho thuê trang phục đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt từ sau Covid-19 và giai đoạn suy thoái kinh tế. Trong một nghiên cứu hồi đầu 2023, công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company dự đoán, đến năm 2030, thời trang đã qua sử dụng sẽ chiếm khoảng 20% doanh số bán của ngành công nghiệp thời trang, trong đó dịch vụ cho thuê trang phục chiếm khoảng 10%.
PGS.TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định xu hướng thuê trang phục vào các dịp đặc biệt thay vì mua ngày càng tăng bởi người dân bắt đầu quan tâm đến "kinh tế chia sẻ", tiêu dùng thông minh. Đặc điểm của nền kinh tế này là khuyến khích đi thuê, tái sử dụng đồ cũ, tránh mua mới để tiết kiệm.
Ông Cương khẳng định xu hướng đi thuê quần áo sẽ ngày càng phát triển bởi tính tiện dụng, hữu ích, phù hợp với nhu cầu kinh tế của đa số người tiêu dùng. Tuy nhiên với những người theo đuổi sự cầu kỳ, thích độc quyền hoặc sợ bị đàm tiếu thì việc thuê đồ khó đáp ứng được yêu cầu.
"Đây là xu thế của tương lai được nhiều người nổi tiếng và chính trị gia trên thế giới áp dụng, không có lý do gì phải ngại ngùng, xấu hổ", ông Cương khẳng định.
Ngoài đồ đi tiệc cuối năm, một số khách còn thuê váy, áo dài cho cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mức giá thuê cũng không đắt hơn ngày thường.
Bảo Ninh, quê Hải Dương, dự định thuê hai chiếc áo dài, giá 150.000 đồng một bộ để mặc dịp Tết Giáp Thìn. Cô gái 27 tuổi cho biết một bộ áo dài thiết kế có giá trung bình 1-2 triệu đồng, trong khi cùng sản phẩm nếu thuê giá bằng 1/10.
"Quần áo không phải vàng bạc để tích trữ nên tiết kiệm cái gì hay cái đó", nữ nhân viên văn phòng nói.
TB (tổng hợp)