Nhiều người thường ví phụ nữ là ‘tay hòm chìa khóa’ trong gia đình, tuy nhiên không ít trường hợp phụ nữ chưa biết cách quản lý chi tiêu, 'vung tay qua trán' trong tiêu dùng.
Chưa đến tháng đã… hết tiền
Kết hôn đã hơn 5 năm nhưng khoản tiết kiệm, tích lũy của vợ chồng chị N.T.B.H. (30 tuổi) ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) không đáng kể. Kể từ khi lập gia đình, chị H. chưa bao giờ dành thời gian tính toán cụ thể tổng chi phí mà gia đình dành chi tiêu trong một tháng, mà vẫn có thói quen mua sắm theo cảm hứng.
Nhiều lần, theo dự định ban đầu, chị H. chỉ định mua 1-2 món đồ nhưng khi đến siêu thị, cửa hàng, lại phát sinh thêm nhiều thứ. Hầu như mỗi lần đi mua sắm về, chị đều tay xách, nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc. Nhiều khi chị mua đồ chưa thực sự cần thiết chỉ vì mặt hàng đó đang có chương trình giảm giá hoặc được tặng quà.
Chị H. có thói quen mua nhiều thực phẩm để tủ lạnh ăn dần. Tuy nhiên, nhiều túi thịt, cá để ở ngăn đông đã lâu, chị cũng không nhớ thời điểm mua thế nên không ít lần phải bỏ đi. Mới đây, chị H. đã phải bỏ đi vài cân rươi để trong tủ lạnh từ mùa năm ngoái do sợ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi nấu ăn cho gia đình, dù có 5 người nhưng chị thường nấu nhiều món do tâm lý "no bụng, đói con mắt". Sau mỗi bữa, thức ăn không dùng hết, chị cất tủ lạnh rồi vài ngày lại đem đổ đi.
Do thiếu kỹ năng quản lý tài chính, chi tiêu, không ít lần chị H. rơi vào cảnh "chưa hết tháng đã hết tiền". Nhìn lại một năm qua, dù tổng thu nhập của hai vợ chồng gần 30 triệu đồng/tháng nhưng chị H. không để tích lũy được đồng nào, dù gia đình chị không có khoản chi cho việc lớn, hay mua được món đồ nào có giá trị lớn.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, sự phát triển thương mại điện tử khiến việc mua sắm càng trở nên dễ dàng. Nhưng sự thuận lợi này lại rất nguy hiểm với những người phụ nữ có thói quen "vung tay quá trán".
Trước đây, nếu muốn mua quần áo, chị P.T.H. ở TP Hải Dương phải dành thời gian đi tới một vài cửa hàng, thử đồ. Chị thường đi với bạn bè, người thân nên khi chị định mua nhiều quá còn có người can. Thế nhưng giờ đây chỉ cần ngồi nhà lướt website, canh các phiên livestream trên Facebook, TikTok là chị đã có thể chọn lựa, mua những món đồ ưng ý. Dù không ít lần mua phải các sản phẩm không như quảng cáo trên livestream đành đem cho hoặc không dùng tới nhưng mỗi lần thấy những đợt giảm giá "kịch sàn", giá hời chị H. vẫn bị thu hút.
Hiện nay, nhiều sàn thương mại điện tử có chính sách cho vay trước trả sau, ngoài ra còn được áp mã giảm giá, miễn phí vận chuyển, nếu là thành viên thân thiết của sàn càng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Việc thanh toán không dùng tiền mặt khiến chị H. không có cảm giác tiếc nuối như khi tiêu tiền mặt.
Quản lý chi tiêu thế nào?
Gần đây, những bài viết về mức chi tiêu của gia đình được nhiều người đăng tải ở các hội, nhóm trên mạng xã hội, trên TikTok có không ít các video với chủ đề làm mâm cơm tiết kiệm với mức chi phí 100.000 đồng/ngày cho 4 người hay bữa cơm 50.000 đồng… thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng từ những video ấy, nhiều người đã nhìn lại cách quản lý tài chính, chi tiêu của mình.
Hằng tháng chị H.T.N. (33 tuổi) ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) đều lên kế hoạch những đồ gì phải mua sắm chi tiêu cho gia đình 4 người trong 1 tháng. Những khoản nào chi cho ăn uống, đám xá, những khoản nào để tiết kiệm dự phòng, khoản nào tiết kiệm tích lũy. Gia đình chị cũng hạn chế ăn ở ngoài mà chủ yếu nấu ăn ở nhà. Chị N. thường nấu cơm mang đi làm, thực phẩm chỉ mua số lượng vừa đủ ăn để tránh dư thừa, lãng phí. Khi mua sắm, chị N. luôn thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên những thứ đang cần hơn là những thứ mình thích.
Theo chị Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Ngân hàng Bắc Á chi nhánh Hải Dương, để quản lý tài chính, chi tiêu một cách khoa học, các bà nội trợ cần ước tính các khoản cố định hằng tháng cần được ưu tiên chi trả và đặt ra định mức đối với các khoản chi linh hoạt. Chị em nên lập bảng chi tiêu để ghi lại tất cả các khoản chi tiêu hằng ngày, hằng tuần, hoặc hằng tháng. Sau đó, hãy phân loại các khoản chi tiêu để biết rõ tiền của mình đang được chi cho mục đích nào. Qua đó, các bà nội trợ sẽ có được một cái nhìn tổng quan về cách mình đang sử dụng tiền, loại bỏ dần các khoản chi không cần thiết.
Để tránh việc chi tiêu theo cảm xúc, phụ nữ nên có một kế hoạch cụ thể, rõ ràng trước khi mua sắm. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi mua bất cứ thứ gì và chỉ mua những thứ thực sự cần thiết. Với các khoản chi định kỳ hằng năm như học phí, phí bảo hiểm, chăm sóc y tế... chị em có thể căn cứ thời điểm chi trả để lập các khoản tiết kiệm ngắn hạn tương ứng với thời gian có thể để dành trong tài khoản.
Ngoài ra, các bà nội trợ có thể cài các ứng dụng quản lý tài chính trên điện thoại hoặc website để tiện theo dõi thu chi một cách khoa học. Cần xác định rõ, mỗi tháng để ra một khoản tiết kiệm bao nhiêu tiền để dự phòng và phục vụ nhu cầu chi tiêu trong tương lai. Mỗi tháng, có thể trích một phần thu nhập để gửi vào ngân hàng và chi tiêu phần tiền còn lại hay gửi tiền ngay khi có những khoản thu nhập bất thường…
Khi trang bị những kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính sẽ giúp phụ nữ chi tiêu một cách khoa học, quán xuyến gia đình tốt hơn.
HT